• Loading...
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
 
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Chương trình mới đào tạo lớp người mới có đủ phẩm chất, năng lực
Ngày xuất bản: 18/04/2017 3:33:30 SA

 Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (Chương trình tổng thể) để xin ý kiến các tầng lớp nhân dân trước khi ban hành chính thức. Xung quanh nội dung này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS. Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) để làm rõ một số nội dung trong chương trình.

GS. Nguyễn Minh Thuyết

Thưa ông, Dự thảo Chương trình tổng thể đã được đưa ra xin ý kiến các tầng lớp nhân dân. Ông có thể nói rõ hơn những điểm khác hoặc là mới so với chương trình hiện hành?

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Tháng 8 năm 2015, Bộ GDĐT đã công bố dự thảo Chương trình tổng thể để lấy ý kiến nhân dân. Bản dự thảo đã được các tầng lớp nhân dân, trong đó có các chuyên gia giáo dục, đóng góp nhiều ý kiến.

Dự thảo lần này là sự kế thừa dự thảo trước, đồng thời được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia. Những điểm mới cơ bản so với chương trình hiện hành là:

Thứ nhất, về phương pháp xây dựng chương trình, chúng tôi áp dụng các phương pháp “Sơ đồ ngược” (Back – Mapping) và Đánh giá tác động của chính sách (Regulatory Impact Assessment, viết tắt là RIA).

Trước hết, nói về phương pháp Sơ đồ ngược. Thông thường, khi xây dựng chương trình GDPT theo định hướng tiếp cận nội dung, người ta xuất phát từ hệ thống kiến thức của môn học, chọn ra từ đó những kiến thức được cho là cần thiết đối với học sinh phổ thông để đưa vào chương trình.

Nhưng với định hướng tiếp cận năng lực thì việc xây dựng chương trình phải xuất phát từ phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế, trên cơ sở đó xác định nhu cầu phát triển đất nước, nhu cầu phát triển nhân lực, mục tiêu GDPT, rồi từ mục tiêu đó xác định những phẩm chất và năng lực cần hình thành, phát triển ở học sinh, tức là chuẩn đầu ra của chương trình. Từ chuẩn đầu ra mới xác định được những nội dung cần dạy, từ đó phân bổ thời lượng dạy học, xác định phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục.

Tiếp theo, nói về phương pháp Đánh giá tác động của chính sách (RIA). Ban Phát triển Chương trình GDPT nhận thức: Chương trình GDPT là một văn bản có giá trị pháp lý, điều chỉnh hành vi xã hội để giải quyết một vấn đề rộng lớn liên quan đến số đông người dân trong một khoảng thời gian dài, cho nên nó là một chính sách. Vì vậy, chương trình GDPT mới phải được xây dựng theo đúng quy trình ban hành chính sách. Quy trình này có 5 bước: đánh giá việc thực thi chính sách hiện hành; đề xuất chính sách mới; đánh giá tác động của chính sách mới; điều chỉnh và ban hành chính sách mới; chỉ đạo thực thi chính sách.

Trong lần thay đổi chương trình năm 2001, chúng ta xây dựng chương trình xong mới viết sách giáo khoa (SGK) thực nghiệm, dạy thực nghiệm SGK xong mới quay trở lại điều chỉnh và ban hành chương trình, SGK chính thức. Theo chúng tôi, dạy thực nghiệm chỉ là một trong những cách đánh giá tác động, ngoài ra còn phải thực hiện nhiều cách đánh giá tác động khác như: khảo sát thực tế, phỏng vấn, điều tra ý kiến cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh học sinh và học sinh,...

Mỗi quyết sách trong chương trình mới có thể ảnh hưởng tới học sinh, giáo viên, việc tổ chức dạy học và kinh phí đều cần được đánh giá tác động. Ví dụ: Để giảm tải chương trình và giúp học sinh lớp 11, 12 tập trung học những môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp của mình, chương trình mới dự kiến để học sinh tự chọn 5 môn học, không phân ban “cứng” thành các khối A, B, C. Ban Phát triển Chương trình GDPT phải điều tra để trả lời các câu hỏi sau: Việc để học sinh tự chọn môn học có dẫn đến tình trạng học sinh đề xuất quá nhiều tổ hợp môn học mà nhà trường không xếp được thời khóa biểu không? Liệu có dẫn đến tình trạng giáo viên một số môn học thất nghiệp không? Chúng tôi đã điều tra ở 5 trường THPT ở Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định với gần 3.000 học sinh. Với số liệu điều tra đó thì có thể yên tâm phần nào, nhưng sắp tới phải điều tra trên phạm vi toàn quốc để đánh giá tính khả thi của chương trình.

Việc đánh giá tác động diễn ra suốt trong quá trình xây dựng chương trình, như vậy sẽ bảo đảm tính khả thi của chương trình và rút ngắn được thời gian dạy thực nghiệm.

Điểm mới thứ hai của dự thảo chương trình lần này so với chương trình hiện hành là “chân dung” của người học sinh mới.

Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT xác định mục tiêu đổi mới là: “Đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chứcgiáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh”.

Yêu cầu của Quốc hội về phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của người học là sự tiếp nối truyền thống xây dựng con người toàn diện có đức có tài, vừa hồng vừa chuyên của Việt Nam. Phẩm chất là đức và năng lực là tài. Đức được đo bằng hành vi ứng xử; còn tài được đo bằng hiệu quả hành động.

Tuy nhiên, tham khảo tài liệu của các nước phương Tây (tài liệu nghiên cứu, tuyên bố về GDPT, chương trình GDPT), chúng tôi thấy phần lớn các tài liệu này không phân biệt phẩm chất và năng lực, mà chỉ đề cập đến năng lực. Tài liệu của một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan có nêu ra một số phẩm chất, nhưng mỗi nước cũng chỉ nhấn mạnh một vài điểm. Gần đây nhất (2015) tài liệu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nêu lên 16 kỹ năng của thế kỷ 21 (21st-Century Skills), bao gồm 6 văn hóa nền tảng (Foundational Literacies), 4 năng lực (Competencies) và 6 phẩm chất (Character Qualities).

Sáu phẩm chất ấy là: ham tìm tòi, sáng kiến, kiên trì/dũng cảm, thích ứng, lãnh đạo, hiểu biết về xã hội và văn hóa. Có thể thấy hầu hết các phẩm chất kể ra ở đây thực chất là năng lực (sáng kiến, thích ứng, lãnh đạo, hiểu biết về xã hội và văn hóa). Chỉ còn ham tìm tòi, kiên trì/dũng cảm có thể coi là phẩm chất, nhưng cũng chưa phải những phẩm chất hàng đầu của con người.

Để xác định các phẩm chất cần hình thành, phát triển ở học sinh, Ban Phát triển Chương trình GDPT đã nghiên cứu các văn kiện của Đảng và chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam (Nghị quyết 5 của BCH Trung ương khóa VIII, Nghị quyết 33 của BCH Trung ương khóa XI, Năm điều Bác Hồ dạy học sinh). Dựa trên các tài liệu này, đồng thời cân nhắc để phản ánh được các giá trị phổ quát của thời đại và phù hợp với hệ thống phẩm chất, năng lực nói chung trong Chương trình GDPT mới, dự thảo chương trình nêu lên 6 phẩm chất chủ yếu cần hình thành, phát triển ở học sinh là: yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm.

Về năng lực, các tài liệu chính mà chúng tôi dựa vào là tài liệu của OECD (năm 2005), EU (năm 2006) và WEF (2015). Hệ thống hóa nội dung các tài liệu này, đồng thời chắt lọc cho phù hợp với điều kiện nước ta, dự thảo chương trình nêu lên 10 năng lực cốt lõi (những năng lực mà ai cũng cần có để sống và làm việc trong xã hội hiện đại), bao gồm: a) Những năng lực chung được tất cả các môn học và hoạt động giáo dục góp phần hình thành, phát triển: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; b) Những năng lực chuyên môn được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học nhất định: năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất.

Điểm mới thứ ba ở dự thảo lần này là sự phân biệt rõ giữa giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Nghị quyết 88 của Quốc hội đã quy định: “Giáo dục phổ thông 12 năm, gồm hai giai đoạn giáo dục: giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp trung học cơ sở 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông 3 năm). Giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị cho học sinh trí thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở. Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng [...]

Ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở, thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp; thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học. Ở cấp trung học phổ thông, yêu cầu học sinh học một số môn học bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập theo hình thức tích lũy tín chỉ.”

Theo quy định này, dự thảo chương trình mới chủ trương thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp ở các cấp tiểu học và THCS, thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn ở cấp THPT.

Ở cấp THPT, dự thảo chương trình mới xác định lớp 10 là lớp dự hướng nghề nghiệp với các môn học phân hóa (môn Khoa học tự nhiên ở THCS tách thành các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; môn Lịch sử và Địa lý ở THCS tách thành các môn Lịch sử, Địa lý,…). Nội dung các môn học này giúp học sinh có cái nhìn tổng quát về lĩnh vực khoa học tương ứng với mỗi môn học, vai trò và ứng dụng của mỗi ngành khoa học trong đời sống thực tế, những ngành nghề có liên quan, nhằm củng cố vững chắc học vấn phổ thông cốt lõi, hoàn thiện thêm một bước các phẩm chất, năng lực đã được định hình trong giai đoạn giáo dục cơ bản, tạo điều kiện để học sinh nhận thức rõ hơn năng lực, sở trường của bản thân, từ đó giúp học sinh lựa chọn các môn học ở lớp 11 và lớp 12 một cách phù hợp.

Ở các lớp 11, 12, ngoài một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo), học sinh chỉ cần chọn 3/12 môn còn lại phù hợp với định hướng nghề nghiệp.

Như ông vừa trao đổi, ở điểm mới thứ ba, chúng ta phân tách rõ hơn các giai đoạn của giáo dục. Vậy tính liên thông giữa các giai đoạn giáo dục, các cấp học được thể hiện như thế nào trong dự thảo lần này?

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Đây là một trong những vấn đề mà Ban Phát triển Chương trình phải thường xuyên quan tâm. Trong suốt quá trình xây dựng chương trình, chúng tôi đã có hàng loạt các buổi tham vấn ý kiến của các chuyên gia và đơn vị liên quan như Vụ Giáo dục Mầm non, Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Đại học, Vụ Giáo dục Dân tộc, Vụ Giáo dục Quốc phòng, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục ở cơ sở, Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, Đồ chơi trẻ em, Đề án Dạy và học ngoại ngữ 2020, Đề án Giáo dục hướng nghiệp,… để bảo đảm sự liên thông.

Riêng về tính liên thông giữa các cấp học phổ thông thì đó là vấn đề mà các chuyên gia trong Ban Phát triển Chương trình GDPT có trách nhiệm bảo đảm. Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, học sinh vẫn học theo những mạch nội dung được xác định từ giai đoạn giáo dục cơ bản, nhưng học sâu hơn, có tính hướng nghiệp hơn.

Chương trình mới làm thay đổi cách học và cách dạy như thế nào, thưa ông?

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Để hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, chương trình mới quy định các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường áp dụng các phương pháp tích cực hoá hoạt động của người học, trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được để phát triển.

Các hoạt động học tập của học sinh được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường thông qua một số hình thức chủ yếu sau: học lý thuyết; thực hiện bài tập, thí nghiệm, trò chơi, đóng vai, dự án nghiên cứu; tham gia xêmina, tham quan, cắm trại, đọc sách; sinh hoạt tập thể, hoạt động phục vụ cộng đồng. Tùy theo mục tiêu cụ thể và mức độ phức tạp của hoạt động, học sinh được tổ chức làm việc độc lập, làm việc theo nhóm hoặc làm việc chung cả lớp. Tuy nhiên, dù làm việc độc lập, theo nhóm hay theo đơn vị lớp, mỗi học sinh đều phải được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập, tự mình trải nghiệm thực tế.

Chương trình mới bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.

Chương trình chỉ quy định những nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục, không quy định quá chi tiết để tạo điều kiện cho tác giả SGK và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình.

Phụ huynh đang mong chờ câu trả lời: Được học chương trình GDPT mới này thì chất lượng, trình độ của học sinh sẽ đến đâu, thưa ông?

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Chương trình đã xác định 6 phẩm chất chủ yếu và 10 năng lực cốt lõi cần hình thành, phát triển cho học sinh. Đó là mục tiêu cụ thể của chương trình, đồng thời cũng là “chân dung” người học sinh mới.

Tuy nhiên, chúng ta cũng hiểu rằng chương trình chỉ là bản thiết kế. Để hiện thực hóa chương trình, cần quan tâm đến việc biên soạn và lựa chọn SGK, đổi mới đào tạo và bồi dưỡng gíáo viên, bảo đảm cơ sở vật chất trường học, đổi mới phương pháp giáo dục, phối hợp giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và xã hội, đổi mới phương pháp đánh giá kết quả giáo dục, trong đó có việc xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Có những việc là của ngành Giáo dục, nhưng có những việc cần sự chung tay góp sức của cha mẹ học sinh, người dân và chính quyền các cấp. Tôi chỉ nêu ba ví dụ: Nếu không đổi mới nội dung và hình thức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng thì giáo viên và học sinh sẽ không thay đổi cách dạy, cách học.

Nếu không có đủ phòng học bộ môn, sân chơi, chỗ thực hành ngoài trời thì giáo viên khó có thể hướng dẫn học sinh nghiên cứu, thực hành. Nếu mỗi lớp ở đô thị vẫn “nhồi nhét” tới 50 – 60 học sinh thì giáo viên khó có cách gì đổi mới phương pháp giáo dục được. Người dân cần quan tâm đến những vấn đề này và đòi hỏi chính quyền địa phương bảo đảm cho con em người dân được học trong điều kiện không kém hơn các địa phương khác.

Theo Nghị quyết 88 thì đến năm 2018 chúng ta bắt đầu dạy học theo chương trình mới, SGK mới. Tuy nhiên, có vẻ sẽ không kịp tiến độ?

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Về tiến độ xây dựng Chương trình GDPT, mặc dù Bộ GDĐT đã hết sức chủ động, nhưng có nhiều việc so với tiến độ đề ra đã chậm 1,5 năm. Việc này có nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Về khách quan, một số quyết định liên quan đến việc xây dựng chương trình được ban hành rất chậm. Ví dụ, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mãi tới ngày 4/11/2016 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chưa có Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân thì chưa thể xây dựng chương trình GDPT. Hoặc một ví dụ khác: Chính phủ quyết định vay vốn Ngân hàng Thế giới để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK. Hiệp định giữa Chính phủ và Ngân hàng thế giới cho tới ngày 8/8/2016 mới có hiệu lực thi hành. Ngay sau đó Bộ GDĐT đã gửi công văn về các trường đại học sư phạm, các trường đại học có khoa sư phạm, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, các Sở GDĐT đề nghị giới thiệu các ứng viên tham gia xây dựng chương trình. Nhưng như vậy cũng là chậm nhiều so với tiến độ đề ra.

Thủ tục để bổ nhiệm các thành viên trong Ban Phát triển Chương trình cũng không diễn ra nhanh chóng. Danh sách ứng viên phải được lọc và gửi sang Ngân hàng thế giới để hiệp y. Mãi đến ngày 8/12/2016 mới có thư của Ngân hàng Thế giới chấp thuận Tổng chủ biên Chương trình GDPT; cuối tháng 12/2016 mới có quyết định bổ nhiệm. Và cho đến ngày 14/3/2017 vừa rồi (cách đây vừa 1 tháng) mới có thư của Ngân hàng Thế giới chấp thuận thành viên các Ban Phát triển Chương trình môn học.

Về nguyên nhân chủ quan, việc thay đổi nhân sự lãnh đạo Bộ cũng có ảnh hưởng, vì Bộ trưởng mới cần có thời gian để nghiên cứu, chỉ đạo công việc, nhất là khi Bộ trưởng trực tiếp phụ trách công việc quan trọng này.

Theo kế hoạch, đến tháng 9 này, toàn bộ chương trình GDPT, bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học sẽ được ban hành. Chương trình đã được thực nghiệm trong quá trình xây dựng dưới nhiều hình thức, kể cả biên soạn và dạy thực nghiệm một số nội dung mới. Sắp tới, Bộ GDĐT sẽ tổ chức tập huấn cho các tổ chức, cá nhân viết SGK và tập huấn giáo viên dạy theo chương trình mới. Như vậy, có khả năng thực hiện đúng tiến độ Quốc hội đã đề ra: Đầu năm học 2018 – 2019 sẽ triển khai chương trình mới và toàn bộ việc triển khai chương trình mới sẽ hoàn thành vào năm học 2022 – 2023.

Tuy nhiên, yêu cầu bảo đảm chất lượng vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Nếu chương trình, SGK bảo đảm chất lượng; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cấp cơ sở được chuẩn bị tốt; cơ sở vật chất của các trường đáp ứng được yêu cầu, ít nhất là đối với lớp 1 thì công việc sẽ được triển khai. Nhưng nếu không bảo đảm chắc những điều kiện tối thiểu nói trên thì phải báo cáo Chính phủ, Quốc hội quyết định.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư.

Theo Trung tâm Truyền thông giáo dục