• Loading...
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
 
Các nước Bắc Âu tạo niềm vui học tập cho học sinh như thế nào?
Ngày xuất bản: 11/01/2018 3:41:39 SA

  

Tại hội thảo quốc tế Giáo dục bền vững với chủ đề Quản trị trong nhà trường phổ thông diễn ra sáng ngày 10/1, các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục của Phần Lan - quốc gia có nền giáo dục tiên tiến - chia sẻ họ cũng từng phải vượt qua giai đoạn khó khăn để tìm cách đổi mới giáo dục.

Ông Alan Schneitz, chuyên gia giáo dục Phần Lan, tiết lộ có ít người biết rằng học sinh ở quốc gia được đánh giá có nền giáo dục hàng đầu này từng được đánh giá ít hạnh phúc nhất thế giới trong một khảo sát năm 2004.

 

Hơn 200 đại biểu là cán bộ quản lý của các trường phổ thông, chuyên gia giáo dục trong nước và quốc tế tham dự hội nghị

Những nguyên nhân dẫn đến đánh giá này là môi trường giáo dục không tốt, có khoảng cách cảm xúc giữa giáo viên và học sinh, thiếu sự khích lệ của các bạn cùng lớp…

Những thay đổi sau 20 năm

Để giải quyết, Phần Lan đã tìm cách thay đổi để môi trường học trở nên thân thiện hơn với học sinh.

Với quan niệm mục đích chính của môi trường học là truyền cảm hứng cho học sinh, không gian lớp học đã được thiết kế bớt cứng nhắc nhằm khơi gợi niềm vui học tập. Ngay cả phòng giáo viên cũng được sắp xếp với mục đích tương tự.

Chúng tôi sử dụng không gian bên ngoài lớp học làm công cụ để hỗ trợ việc học tập” - vị chuyên gia cho hay.

 

Tại một lớp ở Trường Tiểu học Lautasaari (thành phố Helsinki). Ở đây giáo viên sẽ tự chủ xây dựng bài giảng của mình; có những bài giảng bàn bạc với học sinh để thiết kế. Lớp học có kiến trúc không gian mở, thậm chí hai lớp chỉ cần ngăn bằng vách có thể kéo ra kéo vào, để chi cần thiết thì 2 lớp tổ chức các hoạt động giáo dục chung. Học sinh thoái mái nằm và ngồi.

Vị này đưa dẫn chứng bằng hình ảnh: 20 năm trước, bàn ghế trong các lớp học được bố trí tách biệt từng chỗ ngồi học sinh, 10 năm trước thì thiết kế dạng bàn tròn theo từng nhóm. Nhưng giờ đây, một lớp học thông thường được thiết kế theo nhiều khu vực, và các em có thể chọn chỗ để học những thứ mà mình thích thú.

Hay 20 năm trước, sân chơi trong trường học cũng không hề có hoạt động nhóm, và học sinh thường tham gia hoạt động thể thao ở ngoài trường. Nhưng từ 10 năm trước, Phần Lan xây dựng thêm nhiều cơ sở hạ tầng để học sinh có thể chơi thể thao và hoạt động nhóm ngay trong trường học.

Bước chuyển lớn là việc Chính phủ Phần Lan tổ chức chương trình “Schools on the move” (Trường học không ngừng chuyển động), với mục đích tăng cường hoạt động thể chất và giảm thời gian ngồi yên của trẻ trong độ tuổi đi học.

Chương trình bao gồm đào tạo giáo viên, hướng tới việc học sinh chủ động hơn và nhiều năng lượng hơn thông qua các hoạt động thú vị, không để học sinh ngồi yên một chỗ. Bởi vì theo ông Schneitz, học sinh càng ngồi lâu càng dễ chán.

“Học sinh Phần Lan có ít nhất một giờ mỗi ngày để tham gia các hoat động thể thao, phát triển thể chất” - ông Schneizt nói. “Sự tương tác cũng là yếu tố quan trọng. Chúng tôi dùng rất nhiều các môn học để tạo điều kiện cho học sinh làm việc và tương tác với nhau, đặc biệt các em được tham gia hoạt động ngoài trời và hòa vào thiên nhiên rất nhiều”.

 

Trong một lớp học ở trường trung học Makelanrinne (Helsinki). Trường đào tạo chuyên về thể thao, có nhiều học sinh tốt nghiệp từ trường tham gia đội tuyển của quốc gia dự Thế vận hội thế giới. Tại Phần Lan, sau khi học xong THCS, 60% chọn hướng hoc trung học nghề, còn lại vào trung học phổ thông.

Ông Schneitz cho rằng Phần Lan đã trải qua cuộc cách mạng giáo dục lớn khi số môn học được giảm đi, nội dung kiến thức ít hơn và các hoạt động sáng tạo được bổ sung.

Tương lai học sinh nằm trong tay giáo viên

Phương pháp dạy học cũng được Phần Lan nghiên cứu để thay đổi, trong đó thay vì một, họ sử dụng hai giáo viên ở mỗi lớp học.

Ông Schneizt cũng cho biết, việc đánh giá trong quá trình học tập ở Phần Lan là một phương tiện hỗ trợ học tập chứ không chú trọng vào điểm số hay khiến học sinh tự ti về bản thân.

Để trẻ em trở thành những học sinh hạnh phúc nhất thế giới hay đưa chúng tôi trở thành nền giáo dục hàng đầu như giờ đây, chìa khóa của các nhà giáo dục là dùng trái tim để giúp việc học tập trở nên hứng thú với các em" - vị chuyên gia Phần Lan nói.

Ông Schneitz nhắc đến tác động của công nghệ với giáo dục và các trường học: “20 năm trước, chúng tôi tin rằng bảng đen là cách chúng ta dạy học. 15 năm trước, chúng tôi nghĩ bảng trắng sẽ thay thế bảng đen. Đến 10 năm trước, khi màn hình chiếu xuất hiện thì chúng tôi tin rằng nó sẽ thay thế tất cả những công cụ trước đây”.

Theo vị này, thế giới đang thay đổi rất nhiều, công nghệ mới đã thay đổi hoàn toàn cách chúng ta giao tiếp và làm việc. Do đó giáo viên cần trang bị cho học sinh sẵn sàng trước những thay đổi. 

"Việt Nam hoàn toàn có thể làm được như Phần Lan. Bởi giáo viên Việt Nam có kỹ năng cần thiết và có sự ủng hộ từ phía Bộ GD-ĐT" - vị này khẳng định.

“Học sinh càng có niềm vui thì càng có khả năng tiếp thu và học tập tốt hơn. Có thể nói tương lai của học sinh, của đất nước nằm trong tay chính các giáo viên”.

Bà Anya Eskildsen, Hiệu trưởng Trường Niels Brock (Đan Mạch) cũng cho rằng giáo viên cần trang bị cho học sinh những năng lực mà trí tuệ nhân tạo hay người máy không thể thay thế được.

“Chẳng hạn, một sinh viên muốn vào ngành công nghiệp xe hơi phải biết trước rằng sau này các loại xe đều sẽ thiết kế không người lái. Vì vậy, giáo viên cũng phải biết rằng những kỹ năng nào có thể giúp các em vận dụng khi bước vào thị trường lao động” - bà Anya Eskildsen nêu dẫn chứng.

Tuy nhiên, vị này cho rằng các giáo viên, giảng viên Việt Nam cần “lười” đi một chút trong quá trình giảng dạy.

Với kinh nghiệm liên kết hoạt động với các đại học ở Trung Quốc và Việt Nam, bà nhận thấy giảng viên, giáo viên các nước châu Á rất chăm chỉ, làm rất nhiều việc cùng lúc, nhưng hình ảnh sinh viên ngủ gục trên giảng đường không phải là chuyện hiếm.

“Các thầy cô cần làm ít việc hơn để tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên hoạt động tích cực hơn” - bà Eskildsen nói.

                                                                                                                                                                                                                                        Thanh Hùng