• Loading...
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
 
Tấm lòng Nhà văn và những cây bút nhỏ
Ngày xuất bản: 08/01/2018 2:50:05 SA

 Tấm lòng Nhà văn và những cây bút nhỏ

                                    Hà Lâm Kỳ

·         Đạp xe đưa nhà thơ đi tìm thầy

Trại sáng tác giành cho Thiếu nhi Toàn quốc lần thứ nhất đang đi vào những ngày cuối thì 4 giờ chiều ngày 16 tháng 7 năm 1990 chị Phan Thị Thanh Nhàn mới báo đến Ban tổ chức là chưa mời được thầy như dự kiến. Trong bữa cơm chiều, nhà thơ Phạm Hổ - người phụ trách trại viết – hỏi tôi :

- Theo anh, nên có cách nào để không ảnh hưởng đến chương trình, mà thời gian thì rất gấp ?

Tôi nói: - Nếu bác vui lòng, tôi sẽ lai bác đi tìm thầy ngay tối nay?

Phạm Hổ vỗ vai: - Hay quá, đạp xe đi tìm thầy.

Thế là một già một trẻ lên xe, đạp gần bốn cây số đến nhà nhà văn Nguyễn Đình Thi (số 20 đường Quán Thánh Hà Nội). Nguyễn Đình Thi đi vắng, người nhà hẹn sáng mai tôi sẽ đến gặp lại.

Chào gia đình xong, Phạm Hổ bảo :

- Bây giờ ta đi tìm nhà Hữu Mai.

Anh em đạp xe quanh co mãi mà không tìm thấy nơi ở của nhà văn Hữu Mai, đành phải vòng về trụ sở Hội nhà văn số 9 Nguyễn Đình Chiểu nhờ anh Quang lái xe của Hội đưa đường.

Leo lên tầng 5 khu tập thể Thành Công. May quá gặp được nhà văn Hữu Mai, nhưng anh đã có chương trình đi Hà Tuyên. Phạm Hổ tha thiết, khiến Hữu Mai phải rút sớm chương trình công tác để kịp sáng thứ 7 – ngày cuối cùng của Trại viết – đến nói chuyện với các em về bộ tiểu thuyết Ông cố vấn,  Hồ sơ một điệp viên.

Phạm Hổ và tôi về tới nhà thì vừa hết chương trình Tiếng thơ của Đài tiếng nói Việt Nam.

Hôm sau, rồi hôm sau nữa, buổi nói chuyện của hai nhà văn có tên tuổi ấy rất thành công. Chỉ hiềm một nỗi chiếc xe đạp của tôi cọc cạch nên nhà thơ Phạm Hổ vốn to khỏe nhưng đã ở tuổi 65, gac-ba-ga đã làm ông ê ẩm mấy ngày liền.

 

 

·         Cốc kem từ tấm lòng

Hai người khách ngồi cạnh tôi thì thầm :

- Ông cụ nào già thế mà vẫn bê kem cho trẻ con ?

Người khách vừa dứt lời thì ở dãy bàn bên kia các em reo lên :

- Hoan hô bác Phùng Quán.

Nhà văn nói :

- Hôm nay tác giả Tuổi thơ dữ dội sẽ chiêu đãi các cháu một bữa kem cốc.

Nhà thơ Phác Văn ngồi bên nói thêm: - Bằng tiền nhuận bút của Tuổi thơ dữ dội đấy.

Phùng Quán: -Phải, nhưng nhuận bút thì không còn, chỉ còn có tấm lòng.

Các em Trại sáng tác Thiếu nhi toàn quốc hôm ấy (18/7/1990) được hưởng cốc kem sữa từ tấm lòng của nhà văn Phùng Quán.

 

·         Bên nội bên ngoại

Hôm tổng kết Trại viết Thiếu nhi toàn quốc lần thứ nhất (21/7/1990), nhà thơ Phạm Hổ nói :

- Đây thật là tình cảm, là sự chăm sóc của cả hai gia đình bên nội và bên ngoại.

Rồi ông mời bên ngoại – đồng chí Hà Quang Dự - Bí thư thứ nhất Trung ương đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh – lên phát biểu. Tiếp đó là bên nội – nhà văn Vũ Tú Nam đứng dậy :

- Nếu Hội nhà văn là bên nội thì xin phép được mời nhà thơ Tố Hữu. Nhà thơ Tố Hữu chẳng những xứng đáng đại diện bên nội mà còn là ông nội của những cây bút nhỏ.

Hội trường vỗ tay rầm lên.

Tố Hữu đứng dậy cười đôn hậu: -Tôi không dám nhận là ông nội. Nếu có ông nội, xứng đáng là ông nội, thì đó phải là Bác Hồ của chúng ta.

Cả hội trường cười xúc động và vỗ tay kéo dài.

 

·         Hoan hô sáu bạn Hổ

Nhà thơ Phạm Hổ rất vui tính và mến trẻ. Hôm đưa trại sáng tác thiếu nhi đi thực tế ở Sơn Tây. Khi tới một đền thờ, các em phát hiện trước cổng đền có động ngũ hổ (tượng đắp nổi năm con hổ đứng chầu cửa hang) liền gọi :

- Bác Hổ ơi bác Hổ, lại đây với hổ.

Phạm Hổ bước nhanh lại, các em vừa khúc khích vừa trêu vui: - Bác Hổ chào hổ đi.

Vốn là người rất tôn trọng tự do tín ngưỡng, nhưng lại phải chiều lòng trẻ thơ, Phạm Hổ liền ngả mũ nan, vái hai vái rồi nói giọng vùng quê Bình Định :

- Chào các bạn, các bạn ở trong rừng ra, mà tôi thì ở thành phố lên, lâu lắm ta mới gặp nhau, xin có lời mừng.

Thế là cả nhóm những cây bút nhỏ cười reo ầm lên:

- Hoan hô sáu bạn hổ; Hoan hô sáu bạn hổ.

 

20/7/1990

 

* Địa chỉ: Hà Lâm Kỳ - Hội Văn học nghệ thuật Yên Bái.