• Loading...
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
 

Trấn Yên: Khuyến học giữ nét văn hóa truyền thống
Ngày xuất bản: 30/05/2018 3:19:56 SA

  

Nét độc đáo của khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở Trấn Yên không chỉ dừng lại ở việc nâng cao dân trí, kiến thức sản xuất mà còn góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.

 

 Hoạt động của CLB Khuyến học Sình ca thôn Đá Cháy lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân.

Không chỉ là địa phương có phong trào phát triển kinh tế, Trấn Yên còn là huyện có phong trào khuyến học phát triển mạnh mẽ. Nét độc đáo của khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (XHHT) nơi đây không chỉ dừng lại ở việc nâng cao dân trí, kiến thức sản xuất mà còn góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.

Theo con đường bê tông uốn lượn bên đồi quế, đồi keo và những cánh đồng lúa xanh ngát, chúng tôi vào thôn Đá Cháy, xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên. Trong ngôi nhà của Nghệ nhân dân gian, Nghệ nhân ưu tú Nịnh Quang Thanh, tiếng hát, tiếng cười rộn rã.

Ông Thanh cho biết: "Sình ca là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của người Cao Lan. Nó không chỉ là những bài hát giao duyên của trai gái, mà còn là những bài hát ca ngợi sản xuất, hát "phụng” Thổ công và Thần Nông, hát mừng nhà mới, hát ru con, hát đố, hát ghẹo… Qua đó, người Cao Lan gửi gắm những tâm tư, tình cảm với nhau, những ước mơ, nguyện vọng của người lao động với thiên nhiên và thần linh… Từ sự quan tâm của Đảng về phát triển văn hóa, năm 2012, chúng tôi đã thành lập được Câu lạc bộ khuyến học Sình ca thôn Đá Cháy. Mục đích là để lưu giữ văn hóa độc đáo của người Cao Lan, đến nay câu lạc bộ ngày càng thu hút nhiều người tham gia”.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình bố mẹ đều đam mê hát Sình ca ở thôn Đá Cháy, nên "máu” nghệ sỹ đã được nuôi nấng, là mạch ngầm trong Nghệ nhân ưu tú Nịnh Quang Thanh. Tuổi thơ ông là những đêm cùng cha mẹ và các liền anh, liền chị (báo nung) đi hát Sình ca mọi nơi có đồng bào Cao Lan sinh sống trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Yêu Sình ca vậy mà năm 18 tuổi ông buộc phải chia tay khi bố mẹ bắt lấy vợ vì theo phong tục của người Cao Lan, ai lập gia đình là không được hát Sình ca nữa. Dù cuộc sống vợ chồng hạnh phúc nhưng nỗi nhớ Sình ca thì luôn đau đáu trong ông.

Để quên Sình ca, ông lao mình vào công việc của thôn, của xã.  May mắn và cũng là cái duyên, từ khi làm cán bộ văn hóa xã, ông có điều kiện để tập trung sâu vào nghiên cứu. Ban đầu ông chuyên tâm nghiên cứu bằng cách liên hệ với những người đam mê Sình ca từ khắp mọi nơi. Cứ ở đâu có người hát Sình ca là ông đến để nghe và ghi chép lại.

Sau thời gian, toàn bộ "kho báu” Sình ca đặc sắc văn hóa dân tộc Cao Lan đã được ông sưu tầm đủ và học thuộc, tiêu biểu như: Làn điệu Sình ca đêm thứ nhất, đêm thứ 2 rồi đêm thứ 7, khúc hát mừng xuân, mừng sức khỏe, mừng hạnh phúc, cầu mùa màng tươi tốt..

Không chỉ làm công tác sưu tầm, ông còn dày công nghiên cứu cách hát, nghệ thuật hát, các điệu múa đến các loại đạo cụ phục vụ khi hát Sình ca như: đàn bầu, sáo đệm, trống tâng sềnh, tiếng chiêng chẹ... có thể khẳng định, những gì tuyệt diệu nhất, tinh túy nhất cho đến tất cả các dụng cụ trong hát Sình ca đều được ông lĩnh hội cả.
Xã hội phát triển, tục kiêng cấm người có gia đình hát Sình ca cũng được xóa bỏ, ông Thanh trở lại đầy ấn tượng bởi được thỏa niềm đam mê ca hát. Nghệ thuật Sình ca đã giúp ông đến với hàng loạt các giải thưởng cao quý của trung ương và địa phương như: Giải B, tiết mục đơn ca "Nhớ em” tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng - trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh lần thứ 9/2007; Huy chương Đồng tiết mục đơn ca "Mời rượu” và "Chúc sức khỏe” tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng - trình diễn trang phục dân tộc tỉnh lần thứ 10/2009 và rất nhiều giấy khen, bằng khen trong các hội diễn nghệ thuật ở các cấp.

Và để lưu giữ văn hóa độc đáo của dân tộc mình, năm 2012, ông Thanh đã cùng những người đam mê Sình ca của thôn thành lập Câu lạc bộ (CLB) Khuyến học Sình ca thôn Đá Cháy. Từ vỏn vẹn 7 người ban đầu, nay CLB đã có trên dưới 100 hội viên, đặc biệt lớp trẻ tham gia khá đông. Từ ngày thành lập CLB, ông Thanh và các thành viên hăng say luyện tập Sình ca để lưu giữ nét văn hóa truyền thống và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Từ Sình ca, người Cao Lan Đá Cháy thêm yêu quê hương, ra sức thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, bài trừ tai, tệ nạn xã hội và những hủ tục lạc hậu. Những đóng góp của mình trong lưu giữ văn hóa dân tộc của mình, ông Thanh được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, Nghệ nhân ưu tú.
Theo ông Nguyễn Khánh - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Trấn Yên: "những câu lạc bộ Khuyến học Sình ca ở Hòa Cuông hay Câu lạc bộ học hát giao duyên, dệt vải truyền thống của người Dao ở thôn Làng Đát, xã Tân Đồng... không chỉ giúp lưu giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc, mà còn có tác dụng nâng cao đời sống tinh thần bà con, để hăng hái thi đua lao động sản xuất, xóa đói nghèo, xây dựng quê hương”.


Đình Tứ