• Loading...
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
 

Yên Bái lan tỏa phong trào xây dựng xã hội học tập
Ngày xuất bản: 25/10/2018 8:39:30 SA

 Để nhân rộng các mô hình học tập trên địa bàn, Hội Khuyến học tỉnh đã giao chỉ tiêu thực hiện cho từng huyện, thị, thành phố theo từng năm.

Công tác thi đua luôn được Hội Khuyến học tỉnh quan tâm triển khai và thu được nhiều kết quả. (Trong ảnh: Hội khuyến học các địa phương ký giao ước thi đua năm 2018).

Dù là tỉnh miền núi nhiều khó khăn, song được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, sự nỗ lực của tổ chức Hội khuyến học (HKH) và ủng hộ của nhân dân, sau 5 năm triển khai Đề án Xây dựng xã hội học tập (XHHT) và "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập đến năm 2020” (gọi tắt là các mô hình học tập) theo Quyết định 89/QĐ-TTg ngày 13/01/2013 và Quyết định 281/QĐ-TTg ngày 20/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, phong trào xây dựng XHHT đã lan tỏa tại Yên Bái, với nhiều kết quả.

Quan tâm triển khai thực hiện
Ngay sau khi Chính phủ ban hành các đề án về xây dựng XHHT và các mô hình học tập, HKH tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện.

Cụ thể, qua đánh giá và rút kinh nghiệm việc xây dựng các mô hình học tập điểm tại 3 địa phương là huyện Trấn Yên, Trạm Tấu và thành phố Yên Bái, Hội đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành các kế hoạch và hướng dẫn về xây dựng các mô hình học tập.

Đồng thời, để có cơ sở, căn cứ xác định mục tiêu xây dựng "Cộng đồng học tập” cấp xã, Hội đã ban hành kế hoạch khảo sát đánh giá thực trạng kết quả thực hiện 15 tiêu chí xây dựng "Cộng đồng học tập” cấp xã tại 180 phường, xã, thị trấn vào năm 2016 để có cơ sở triển khai thực hiện.

Căn cứ vào sự chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh hội, HKH các huyện, thị, thành phố đã tích cực tham mưu, đề xuất với UBND huyện, thị, thành phố ban hành hướng dẫn triển khai và công nhận các mô hình học tập trên địa bàn.
Để nhân rộng các mô hình học tập trên địa bàn, HKH tỉnh đã giao chỉ tiêu thực hiện cho từng huyện, thị, thành phố theo từng năm. Đồng thời, Hội tham mưu để UBND tỉnh ban hành kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai thực hiện các đề án; tham mưu tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các xã, phường, thị trấn phục vụ công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT.

Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội, cán bộ MTTQ, đoàn thể, hiệu trưởng nhà trường, cán bộ văn hóa xã, phường, thị trấn… về nội dung, phương pháp triển khai các đề án, công tác phối hợp với các ngành, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được Hội đặc biệt quan tâm.

Hội đã ký chương trình phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Người cao tuổi… về triển khai xây dựng XHHT. Bên cạnh đó, để các đề án triển khai đạt kết quả, trong quá trình triển khai, Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng XHHT tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra tại 9/9 huyện, thị, thành phố. Qua kiểm tra đã giúp các địa phương điều chỉnh kế hoạch và rút kinh nghiệm những hạn chế, thiếu sót về chỉ đạo thực hiện.

 

Lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh và thị xã Nghĩa Lộ trao quà cho các gia đình làm du lịch cộng đồng tại xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi.

 

Kết quả sau 5 năm
Sau 5 năm triển khai các đề án về xây dựng XHHT và mô hình học tập trên địa bàn tỉnh đã thu được những kết quả hết sức đáng phấn khởi. Qua Đề án, nhận thức của cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân đối với công tác khuyến học, khuyến tài nói chung và xây dựng các mô hình học tập nói riêng ngày càng chuyển biến, tạo thành phong trào trong từng gia đình, dòng họ, khu dân cư, cơ quan, đơn vị từ vùng thấp đến vùng cao, từ đô thị đến nông thôn, miền núi với chất lượng ngày càng cao.

Cụ thể, năm 2016, toàn tỉnh có 83.258 gia đình đăng ký "Gia đình học tập”, qua triển khai có 48.593 gia đình đạt; có 477/1.133 dòng họ đăng ký "Dòng họ học tập”, đánh giá có 145 dòng họ đạt; 1.323/2.318 cộng đồng/thôn/ bản đăng ký "Cộng đồng học tập”, đánh giá có 714 cộng đồng đạt; 547/642 đơn vị đăng ký "Đơn vị học tập”, đánh giá có 214 đơn vị đạt; 15/180 xã, phường, thị trấn đăng ký "Cộng đồng học tập” cấp xã, đánh giá có 1 xã đạt.

Năm 2017, toàn tỉnh có 99.385/194.796 gia đình đăng ký "Gia đình học tập”, qua triển khai có 92.677 gia đình, chiếm tỷ lệ 93,2% gia đình đạt; 536/1.133 dòng họ đăng ký "Dòng họ học tập”, đánh giá có 363 dòng họ, chiếm tỷ lệ 67,7% dòng họ đạt; có 1.291/2.318 cộng đồng/thôn/bản đăng ký "Cộng đồng học tập”, đánh giá có 1.130 dòng họ, chiếm tỷ lệ 87,5% cộng đồng đạt; có 408/642 đơn vị đăng ký đạt "Đơn vị học tập”, đánh giá có 407 đơn vị, chiếm tỷ lệ 99,7% đơn vị đạt; có 26/180 xã, phường, thị trấn đăng ký đạt "Cộng đồng học tập” cấp xã, đánh giá có 18 xã, chiếm tỷ lệ 69,2 % xã đạt.

Đáng mừng, việc xây dựng mô hình học tập đã gắn kết chặt chẽ với nhiều phong trào của địa phương như: "Xây dựng nông thôn mới”, "Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, "Làm kinh tế xóa đói giảm nghèo”…, đoàn kết giúp đỡ nhau nâng cao đời sống, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…

Đi vào chất lượng
Những kết quả đạt được trong xây dựng xã hội học tập 5 năm qua là kết quả của sự nỗ lực trong việc chỉ đạo, phối hợp của cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và HKH các cấp và toàn thể nhân dân. Phát huy kết quả đã đạt được 5 năm qua, để công tác xây dựng XHHT, mô hình học tập ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng hơn, HKH tỉnh đang chỉ đạo HKH các cấp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chỉ tiêu, nâng cao chất lượng toàn diện các mô hình học tập trên địa bàn.

Cụ thể là chỉ đạo điểm các mô hình tại 4 địa phương: huyện Trấn Yên, phấn đấu 100% số xã được xếp loại "Cộng đồng học tập” cấp xã từ khá trở lên vào năm 2020; huyện Yên Bình, xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng điển hình tại xã Hán Đà giai đoạn 2018 - 2020; huyện Văn Chấn, nâng cao chất lượng mô hình "Dòng họ học tập”; thị xã Nghĩa Lộ xây dựng mô hình "Khuyến học gắn với du lịch cộng đồng” tại xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi giai đoạn 2018 - 2020.

HKH tỉnh cũng đề ra mục tiêu đến năm 2019: 75% số gia đình đăng ký xây dựng gia đình học tập, trong đó có 80% tổng số gia đình được công nhận "Gia đình học tập”; 60% số dòng họ đăng ký xây dựng dòng họ học tập, trong đó có 65% tổng số các dòng họ được công nhận "Dòng họ học tập”; 75% số thôn, tổ dân phố đăng ký xây dựng cộng đồng học tập, trong đó có 70% tổng số thôn, tổ dân phố được công nhận "Cộng đồng học tập”; 70% số  cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp đăng ký xây dựng đơn vị học tập, trong đó có 60% tổng số cơ quan, đơn vị được công nhận "Đơn vị học tập” (đối với doanh nghiệp là 50%).
Để đạt được mục tiêu trên, Hội tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng về học tập suốt đời và xây dựng XHHT; tổ chức rút kinh nghiệm, những hạn chế, thiếu sót trong công tác chỉ đạo triển khai nhân rộng các mô hình học tập và thực hiện quy trình đánh giá, công nhận các danh hiệu học tập ở cơ sở.

Cùng với đó, tiếp tục mở các lớp tập huấn cho cán bộ các cấp về triển khai Đề án 281 giai đoạn 2, nhân rộng các mô hình học tập theo mục tiêu từng năm; tăng cường liên kết phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức kinh tế - xã hội để triển khai Đề án Xây dựng XHHT, Hội sẽ tập trung củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo xây dựng XHHT và HKH các cấp để làm tốt công tác tham mưu, nòng cốt, liên kết phối hợp chỉ đạo thực hiện các nội dung của Đề án… phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu vào năm 2020.


Đình Tứ