• Loading...
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
 
Cùng con vào lớp 1!
Ngày xuất bản: 29/04/2016 1:16:59 SA

Áp lực từ cha mẹ và những điều cân nhắc !

Sau khi “tốt nghiệp” trường mầm non, bé chuẩn bị vào lớp 1, trước mắt bé là một tương lai rộng mở. Để bé vào lớp đầu cấp, nhiều bậc cha mẹ ra sức chuẩn bị kỹ lưỡng, với mọi ưu tiên có thể, vô hình chung đây chính là áp lực được tạo ra ngay từ những người “chập chững” làm phụ huynh. Bất cứ cha mẹ nào cũng kỳ vọng vào con mình là điều dễ hiểu. Từ khi còn trong bào thai, nhiều bà mẹ đã cho con nghe nhạc cổ điển, kỳ vọng sau này con trở thành nhà soạn nhạc, cho con nghe những giai điệu quê hương, mong sau này con trở thành ca sỹ, biết chắc thai nhi là bé trai, mẹ treo đầu giường ảnh những siêu sao bóng đá thế giới...Chào đời bé được uống những loại sữa A+, sữa có chứa nhiều DHA, SA, ARS tốt cho sự phát triển trí não, chỉ số IQ cao, sữa 1 2 3 để phát triển chiều cao và khỏe mạnh...Giờ đây bé sắp đi học là cả một vấn đề: ông, bà, bố, mẹ cùng đôn đáo, cần cho bé đi học phụ đạo trước, làm quen với máy tính, với tiếng Anh... để bé tự tin, không tụt hậu so với các bạn, rồi chọn cô giáo giỏi, chọn trường điểm cho bé nữa!

alt

Cha mẹ cần làm gì trước khi con vào lớp 1?

Cấp tiểu học là "nền móng" để xây dựng nên “công trình kiến trúc” của một đời người, mà lớp một là viên gạch đầu tiên của “nền móng ” ấy. Vì vậy, sự chuẩn bị kỹ cho con vào lớp một là cần thiết, tuy nhiên cần tránh tạo áp lực cho trẻ.

Trước hết cha mẹ hãy đặt mình vào vị trí của con để thấy việc bước vào cổng trường tiểu học, con vừa thích, vừa sợ nhiều điều, bởi đây là giai đoạn chuyển tiếp rất quan trọng, bé cần làm quen với môi trường mới, với những hoạt động mới, từ môi trường hoạt động chủ yếu là vui chơi (mầm non) sang hoạt động học tập nghiêm túc, kiến thức khó hơn với những phương pháp giáo dục khác biệt (tiểu học). Kinh nghiệm cho thấy nhiều trẻ vào lớp 1 “xuất phát” tốt đã tạo “đà” trên con đường học tập và thành công sau này. Trẻ hứng thú học, ham hiểu biết, có động cơ học tập hay lười học, ngại suy nghĩ dẫn đến chán học, sợ đi học thường bắt đầu từ đây.

Việc tạo môi trường tự nhiên để con thích nghi dần khi vào lớp 1 là điều cần chú ý, nên tạo cho con cảm giác háo hức, thích thú được đến trường học. Những lời nói, cử chỉ của cha mẹ chuẩn bị cho con trước ngày khai giảng tác động đến con, truyền cảm hứng cho con như cùng đi mua sắm quần áo, đồ dùng học tập, cùng bọc sách vở, ngắm nghía chúng một cách thích thú, tặng cho con những lời khen khi đi thử giày mới, đeo cặp sách mới... để con vui thích, chờ đón ngày được đi học.

Cha mẹ cần tìm cách để con thấy có nhiều điều mới mẻ chờ đợi khám phá ở phía trước, ở ngày mai bằng những hoạt động trí tuệ nhẹ nhàng, hấp dẫn (chơi mà học). Tránh dạy trước kiến thức lớp 1 cho con, vì như thế dễ sinh tâm lý chủ quan, mất hứng thú khi vào lớp 1.

alt

Ảnh minh họa

Cùng học với con những buổi đầu

Quan tâm buổi học đầu tiên: Cùng với việc đưa đón con, chăm lo sức khoẻ, cha mẹ cần chú ý những buổi học đầu tiên của con. Dù bận công việc đến đâu cha mẹ cũng không thể bỏ qua những ngày học đầu của con mình, hòa cùng con trong vai người bạn, người thầy. Nhất thiết phải tìm được những ưu điểm (dù nhỏ nhất) mà dành lời khen đúng mức, nhẹ nhàng tình cảm tặng con buổi đầu tiên đi học về . Lắng nghe con kể chuyện ở lớp, hỏi con về thày cô, bạn bè, kiểm tra đồ dùng sách vở để tìm hiểu con có thích thú với những điều mới mẻ không, qua đó kịp thời khích lệ con.

Học cùng con : Cha mẹ đóng vai người bạn để cùng con học bài, ví dụ khi con đã nhận được mặt chữ O rồi thì có thể chơi cùng con tìm chữ O trên đồ vật (có vòng tròn) và trên sách báo giúp con nhớ lâu, khi con tập viết, cho con dùng tẩy và viết lại nếu viết chưa đẹp, chưa đúng, cho con ngồi đúng tư thế, đúng cách cầm sách, bút ...; hướng dẫn nhẹ nhàng, lời khen vừa phải, đúng lúc và tỏ thái độ vui vẻ trong không khí gia đình ấm áp là phương pháp chủ đạo khi học cùng con. Tìm những câu hỏi gợi mở gần gũi để khuyến khích con bày tỏ ý kiến của mình; chú ý không gây áp lực cho con như yêu cầu quá cao, gò ép theo ý mình. Dù có những điều không bằng lòng cũng không nên trách, mắng, cáu giận, khiến con ngại trình bày ý kiến, dẫn đến sợ học. Cha mẹ, người lớn tuổi trong gia đình dành thời gian đọc sách báo, tài liệu… sẽ làm gương, tạo ấn tượng tốt cho trẻ lớp 1 thời gian này. Để con học tốt phụ huynh học sinh cần hết sức chú ý lời khuyên của các thày cô giáo trường tiểu học.

Chúc các bậc cha mẹ cùng con vào lớp 1 thật nhiều niềm vui!

Trần Văn Tho – Hội KH tỉnh