• Loading...
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
 
Gia đình ở đâu trong môi trường giáo dục?
Ngày xuất bản: 29/04/2016 1:13:40 SA

Phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực trong ngành giáo dục đã trở thành nội dung được đặc biệt quan tâm của các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Nhiều trường đã xác định lấy nội dung này làm khâu đột phá trong công tác xây dựng cơ sở vật chất trường học, bộ mặt sư phạm, nâng cao chất lượng đội ngũ và chất lượng giáo dục toàn diện. Mục tiêu của phong trào là để học sinh “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui, một ngày tiến bộ, một ngày hạnh phúc”. Góp phần vào phong trào đó, vai trò giáo dục trong gia đình có ý nghĩa như thế nào?

alt

Ảnh: Nghệ sỹ hài Xuân Bắc với trò chơi "Mẹ con" nhân ngày Gia đình Việt Nam 28.6

Việc học hành rất quan trọng đối với mọi gia đình Việt Nam, nhưng làm thế nào để con ham học, hứng thú học tập thì không nhiều gia đình làm được. Hầu hết các bậc phụ huynh đã nhận thức cho con đi học để làm người, học để chung sống, học để làm việc, để lập thân, lập nghiệp… Họ mong muốn thông qua việc đầu tư cho con cái học tập để cải thiện cuộc sống, nâng cao vị trí xã hội cho con em mình. Theo UNESCO: “Muốn thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu, muốn giàu có và thịnh vượng không còn con đường nào khác là phải dựa vào tri thức”. Tuy nhiên, do nhiều áp lực của cuộc sống, do nhận thức và điều kiện khác nhau mà mức độ quan tâm đến việc học tập của mỗi gia đình có khác nhau.

“Giáo dục trong gia đình thất bại thì nhà trường cũng khó thành công”:

Với truyền thống hiếu học, ngày nay tuyệt đại bộ phận các gia đình đã phối hợp với nhà trường chăm lo giáo dục con em mình thành con ngoan, trò giỏi, công dân tốt. Bên cạnh đó, trong bộn bề của cuộc sống đời thường, vì “miếng cơm, manh áo” mà một số ông bố, bà mẹ phó thác trách nhiệm cho nhà trường, đưa con đến trường với quan niệm “trăm sự nhờ thầy”. Ngoài việc lo cho con cái ăn, cho con tiền mua sách vở, đóng góp với nhà trường, họ không quan tâm gì nữa. Hằng ngày thấy con mình đi học đều nhưng họ không biết có đến trường không, kết quả học tập ra sao, thậm chí cả năm không gặp cô giáo chủ nhiệm, họp phụ huynh cũng nhờ người báo cáo…

Muốn con cái học tốt nhưng bản thân bố mẹ thiếu gương mẫu khi ứng xử trong gia đình, ngại đọc sách, cách giáo dục con giữa bố và mẹ cũng không thống nhất, theo kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, hoặc coi nhẹ giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, hoặc quá nuông chiều con, hoặc thiếu tình cảm gần gũi,  giáo dục bằng mệnh lệnh, bằng đồng tiền, tạo áp lực về điểm số, thi cử…v.v...Vì thế những em ý thức kém, lười học, chán học, thường trốn học, sa vào quán điện tử mà bố mẹ không hề hay biết, kết quả học tập sa sút, giáo viên chủ nhiệm gửi sổ liên lạc về gia đình thì học sinh nhờ ký hộ…

Một số em do thiếu tiền chơi game mà sinh trộm cắp tài sản, lừa đảo, trấn lột...v.v... Những học sinh đó rất dễ bị lôi kéo vào tệ nạn ma túy và những trò tiêu cực khác, điều mà không một phụ huynh nào mong muốn. Cái vòng luẩn quẩn “chết người” ấy thường bám vào con cái những gia đình có điều kiện kinh tế nhưng cha mẹ mải làm ăn “chạy theo đồng tiền”, hay những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như cha mẹ li hôn, cuộc sống bất hòa, gặp nhiều biến cố, thiếu phương pháp giáo dục… Khi được nhà trường thông báo mới “giật mình” tìm cách cứu vãn thì đã muộn. Mọi cố gắng của thày cô chủ nhiệm, của bạn bè và nhà trường với những học sinh đó trở nên “đơn thương, độc mã”, “nhờn thuốc”. Có những trường hợp vì nể phụ huynh, vì thương học trò mà nhà trường chỉ “kỷ luật không công khai” hoặc “âm thầm” cho chuyển trường mong giữ cho học sinh học bạ đẹp và tiến bộ khi đến môi trường giáo dục mới. Những học sinh bị nhà trường thẳng tay kỷ luật cũng đồng nghĩa với cuộc đời dở dang đèn sách.

Như vậy, những gia đình làm kinh tế giỏi mà thiếu quan tâm giáo dục, để con hư hỏng, thì dù giàu có đến đâu cũng là không bền vững, là đánh mất tương lai. PGS.TS Văn Như Cương nói: “Chúng ta có để lại cho con tiền muôn bạc triệu cũng sẽ hết nếu chúng chỉ là những kẻ biết tiêu tiền”. Giáo dục chưa thành công không thể đổ lỗi hết cho nhà trường bởi mỗi người sinh ra đều có trường học đầu tiên là gia đình, mà ở đó cha mẹ cũng là người thầy đầu tiên khi con cất tiếng khóc chào đời.

alt

Ảnh minh họa

Xây dựng môi trường giáo dục từ những “Gia đình hiếu học”

Cùng với việc xây dựng đời sống văn hóa, cuộc vận động xây dựng “Gia đình hiếu học” đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân và những người làm công tác giáo dục. Các “Gia đình hiếu học” là các gia đình đạt được ba tiêu chí:

- Tất cả con em trong gia đình đều phải đến trường, lớp học tập đúng độ tuổi, kết quả học tập từ trung bình trở lên, không lưu ban, không bỏ học.

-  Người lớn tuổi trong gia đình (trừ người già yếu, ốm đau) đều phải có nội dung học tập thích hợp để không ngừng nâng cao trình độ học vấn, hoàn thiện tay nghề, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng cuộc sống.

- Gia đình có người là hội viên tích cực tham gia công tác khuyến học, xây dựng gia đình hòa hợp hạnh phúc, giáo dục cho con em đạo đức, nhân cách tốt, quan hệ tốt với mọi người xung quanh, không mắc tệ nạn xã hội và không vi phạm pháp luật.

Các “Gia đình hiếu học”, và cao hơn nữa là “Gia đình cử nhân”, “Gia đình thành đạt”, “Gia đình thạc sỹ”, cùng với “Dòng họ hiếu học”, “Cộng đồng khuyến học” đã góp phần tạo nên môi trường giáo dục lành mạnh; khuyến khích dạy tốt, học tốt, góp phần làm giảm tỷ lệ lưu ban, bỏ học, ngăn chặn tiêu cực xâm lấn vào nhà trường. Sự động viên kịp thời, sự quản lý chặt chẽ của các gia đình, dòng họ đối với con em chính là bảo đảm ban đầu cho sự gắn bó chặt chẽ giữa giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội, góp phần quan trọng vào thành công trong công tác giáo dục - đào tạo của nhà giáo, nhà trường và ngành giáo dục.

Gia đình là tế bào của xã hội. Môi trường giáo dục tốt là điều kiện vô cùng thuận lợi cho công tác giảng dạy, giáo dục ở mỗi nhà trường. Môi trường đó chỉ có thể được xây dựng thành công khi có một mạng lưới rộng khắp “Gia đình hiếu học” từ cộng đồng dân cư văn hóa.

Trần Văn Tho – Hội KH tỉnh