• Loading...
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
 
Hãy cho trẻ em một “sân chơi” mùa hè!
Ngày xuất bản: 29/04/2016 1:05:50 SA

Một mùa hè lại đến. Sau những ngày học, ôn tập dồn dập với nỗi lo thường trực bị thày cô kiểm tra bài vở, thì hôm nay dưới ánh nắng vàng rực rỡ, “dàn đồng ca mùa hạ” đã vang lên rộn rã: “Hè đến sao mà thích”. Cảm xúc hè về tràn ngập trong tâm hồn tuổi  thơ, viễn cảnh về những ngày hè được trèo cây, hái quả, được đi câu cá, được lên rừng picnic, được bơi lội tắm mát trong làn nước trong xanh thật là thích... Nhưng đó chỉ là điều có thể của những cô cậu học trò có ông, bà, chú bác ở thôn quê có trang trại hay chí ít cũng có vườn cây, ao cá bên những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Còn phần lớn các em học sinh ở thành phố, thị xã thì chưa biết “đi đâu”, “về đâu” -?.

alt

Ảnh minh họa

Tốc độ đô thị hóa, hiện đại hóa ở thành phố, thị xã, thị trấn diễn ra chóng mặt, nơi mà “tấc đất, tấc vàng” thì tìm được khoảng trống để điều khiển cái xe ô tô điện cho an toàn đã khó chứ nói chi đến khoảng sân nho nhỏ đề đá bóng mi ni, đế chơi âm, chơi u, hay chơi trận giả cho lũ trẻ . Một khoảng trống, một sân chơi an toàn đã trở thành “xa xỉ” với hầu hết các em học sinh ở những nơi như thế... thêm vào đó trong xu thế cạnh tranh chất lượng, thương mại hóa giáo dục... Sự kỳ vọng của các bậc làm cha mẹ và nhiều lý do khác mà bước vào đầu hè các trường học từ  mầm non đến trung học đã vội vã cho viết đơn tự nguyện tham gia các lớp phụ đạo, bồi dưỡng, nâng cao... Các anh, các chị lớp 12 chuẩn bị thi cao đẳng, đại học thì đã đành, nhưng những em học sinh mẫu giáo 5 tuổi chưa học vần, lớp tiểu học thơ ngây thì sao lại lo toan sớm thế, để tuổi thơ của các em đi đâu...

alt

Cả xã hội chăm lo giáo dục, không thể chỉ quan tâm trong năm học, đến chất lượng các môn văn hóa, mà các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội, các bậc làm cha, làm mẹ hãy tìm hiểu các em học sinh đang nghĩ gì, cần gì trong những ngày hè oi bức. Phải chăng kỹ năng sống của các em được hình thành và phát triển ngay từ những việc làm nhỏ nhất trong gia đình của ông bà, cha mẹ, anh chị, của người lớn tuổi, “điều hay lẽ phải học ở người dân dã ” và hãy để cho các em có được hình ảnh cây đa, bến nước, cánh diều của làng quê thanh bình...được vui chơi thỏa thích trong những ngày hè an toàn, không có hiểm nguy đe dọa.

Đã từ lâu ngành giáo dục cùng với các ngành đoàn thể chủ trương tổ chức sinh hoạt hè cho các em học sinh từng xã, phường, khu phố như “Học kỳ III”: tạo điều kiện cho các em thăm ông bà và người thân, tìm hiểu những lao động chân tay; hướng dẫn cho các em tập văn nghệ, thi đấu thể thao, học võ, học bơi, tham quan danh thắng, chăm sóc di tích lịch sử, văn hóa tại địa phương, phòng tránh các trò chơi nguy hiểm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông và đuối nước...Đó là một sân chơi phù hợp cho  mọi lứa tuổi học đường, mong rằng các cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành đoàn thể, ngành giáo dục và nhất là các bậc cha mẹ, tiếp tục quan tâm hơn nữa; thật sự dành cho các em học sinh một “sân chơi” và một mùa hè “an toàn, bổ ích và lý thú”.

Trần Văn Tho – HKH tỉnh