• Loading...
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
 
Nguồn thu xã hội hóa cần cho nhà trường?
Ngày xuất bản: 29/04/2016 1:27:25 SA

Năm học 2013 – 2014, đã đi được 5 tuần học, vấn đề thu từ xã hội hóa cho giáo dục, “lạm thu”, “thu mà không lạm”… vẫn còn nhiều băn khoăn, đôi khi cũng gây tốn kém thì giờ cho nhà trường, giáo viên chủ nhiệm và cơ quan quản lý giáo dục, thậm chí còn tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín nhà trường, nhà giáo, ngành giáo dục. Từ góc độ của người làm công tác Khuyến học xin có mấy ý kiến sau đây:

Cần thấy rằng trong những năm qua, nguồn thu từ sự ủng hộ tự nguyện của phụ huynh, các nhà hảo tâm, các cơ quan, doanh nghiệp… góp phần quan trọng hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà trường trong điều kiện kinh phí nhà nước còn khó khăn, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu dạy và học. Việc đóng góp (ủng hộ) cũng là thể hiện trách nhiệm của mỗi gia đình, cộng đồng cho con em mình, cho sự nghiệp giáo dục thế hệ mai sau, thực sự coi giáo dục – Đào tạo là quốc sách hàng đầu và chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng. Trường học của dân, do dân, vì dân - rất cần nhân dân chăm lo.

alt

Ảnh: Nhóm yêu vùng cao tặng xoong nồi cho các trường phổ thông dân tộc bán trú Mù Cang Chải

Thực tế ở những thành phố lớn, nhiều gia đình có điều kiện với mong muốn con mình có môi trường học tập tốt hơn sẵn sàng đề nghị được đóng góp, để lớp học của con được trang bị thêm ti vi hay máy chiếu, quạt điện, thậm chí cả điều hòa nhiệt độ... Không ít trường, nhờ xã hội hóa mà trường, lớp khang trang hơn, học sinh có điều kiện học tập, giảng dạy tốt hơn, giáo viên, phụ huynh cũng thoải mái, hài lòng. Tuy nhiên, nhiều trường đã khiến các khoản thu trở thành nỗi ám ảnh với phụ huynh, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Câu trả lời là ở chỗ “công khai – minh bạch”, mà chỉ có hiệu trưởng mới làm được điều này.

Hiệu trưởng là người đứng đầu nhà trường, chịu trách nhiệm trước nhà nước về mọi hoạt động trong nhà trường, chỉ cần người hiệu trưởng thực sự muốn, lạm thu sẽ chấm dứt. Tuy nhiên chấm dứt lạm thu không có nghĩa là không thu; mà quan trọng phải thu thế nào cho hợp lý, hợp tình, hợp lòng phụ huynh phục vụ tốt nhiệm vụ. Trước hết Hiệu trưởng cần thấm nhuần lời dạy của Bác: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”.

Cần thấy rằng không phải bất cứ phụ huynh nào cho con đến trường cũng sẵn sàng đóng góp, ủng hộ, nhất là trong những năm gần đây ngân sách nhà nước cấp đã dành một phần chi khác cho hoạt động thường xuyên của nhà trường, hơn nữa mỗi lớp học đều có học sinh gia đình hoàn cảnh kinh tế khác nhau, nhận thức của phụ huynh khác nhau. Vì vậy các nguyên tắc của người hiệu trưởng thực sự có “tâm”, có “tầm” là: không tự đặt ra khoản thu, không thu bình quân theo đầu học sinh, cần tuyên truyền, vận động để phụ huynh, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tự nguyện ủng hộ, xuất phát từ dự toán nhu cầu thiết yếu trong học tập và sinh hoạt của học sinh; cần đến đâu thu tới đó và công khai, minh bạch mọi khoản thu; trong đó nhất thiết có sự giám sát của chính phụ huynh và nhà quản lý.

alt

Ảnh: Bếp nấu cơm của trường PTDT bán trú Khao Mang – MCC cần lắm sự ủng hộ của các nhà hảo tâm

Tiếng nói của phụ huynh học sinh cũng vô cùng quan trọng. Ngành Giáo dục mong mỏi nhận được sự phối hợp, tham gia phát hiện của cha mẹ học sinh và các lực lượng xã hội liên quan. Nhưng, một thực tế đang tồn tại là, vì muôn vàn lý do nhạy cảm, hầu hết phụ huynh dù có bức xúc cũng không dám tố nhà trường, người Việt vốn "một điều nhịn, chín điều lành", nhiều phụ huynh “phải tự nguyện”, “ấm ức đồng ý”. Từ thực tế này, nhiều người đặt câu hỏi, nên chăng có một địa chỉ đỏ thực sự tin cậy để phụ huynh gửi gắm những nỗi niềm lạm thu? Như công bố danh bạ điện thoại cán bộ, chuyên viên có trách nhiệm, lập đường dây nóng… sẵn sàng tiếp nhận mọi bằng chứng sai phạm về công tác thu chi.

Phụ huynh học sinh và dư luận xã hội rất đồng tình với ngành giáo dục đã tham mưu với các cấp có thẩm quyền thời gian qua ban hành những quy định cụ thể về việc dạy thêm, học thêm, về việc thu các khoản đóng góp của phụ huynh – trong đó mọi khoản thu mang tính tự nguyện, xã hội hóa của các trường học, thu từ việc hưởng chế độ của học sinh đều phải được sự cho phép của cấp có thẩm quyền, hiệu trưởng không thể tự nghĩ, tự làm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý đối với trường cố tình lạm thu, thu chi không đúng quy định, không công khai minh bạch. Đây có thể nói là động thái mạnh mẽ của ngành Giáo dục & Đào tạo trong việc kiên quyết nói không với lạm thu. Và hình ảnh người thầy quang minh, chính trực sẽ là minh chứng cho việc dạy phòng chống tham nhũng mà ngành giáo dục đang tích cực triển khai ở cấp THPT.

Mong rằng năm học 2013 – 2014 cũng như những năm học tiếp theo nguồn thu từ xã hội hóa thật sự được các trường học quan tâm thực hiện tốt mà không còn từ “lạm thu”.

Trần Văn Tho – HKH Tỉnh