• Loading...
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
 
Những đổi mới căn bản, toàn diện trong Giáo dục
Ngày xuất bản: 29/04/2016 1:44:07 SA

Khi bắt tay xây dựng đề án, câu hỏi “Đổi mới căn bản và toàn diện như thế nào?” treo lơ lửng, ám ảnh, thôi thúc việc cần xác định rõ nội hàm. Thay đổi vụn vặt, chi tiết cũng là thay đổi, mà thay đổi này trong GD có nhiều nhưng không thay đổi được tính chất vấn đề. - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ.

alt

Cho đến bây giờ, con cháu ta vẫn học theo cách như thời trước, thầy dạy - trò chép, học trò ngồi dưới nhìn thầy, nhìn bảng ghi nhớ lời thầy giảng. Lúc đó thầy giải thích càng đơn giản, càng dễ hiểu thì càng quý mến, thầy giảng càng khó hiểu thì trò lại càng kính phục, cho rằng thầy quá uyên thâm...

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

Bài học kinh nghiệm từ những vòng tròn đồng tâm

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ  Luận, đến thời điểm này, nền GD Cách mạng Việt Nam đã 3 lần cải cách GD. Lần cải cách nào cũng có mục tiêu cụ thể rất to lớn, triển khai nhiều giải pháp và đạt được những kết quả đáng trân trọng, nối tiếp nhau để tạo nên 6 thành tựu được khẳng định trong Nghị quyết T.Ư 8.

Tuy nhiên, cả 3 lần đổi mới GD đó không thay đổi được cả trong quan điểm chỉ đạo và trong thiết kế mục tiêu, nội dung chương trình, đặc biệt phương pháp dạy, phương pháp học và tổ chức thi cử.

Bộ trưởng phân tích: Cách dạy cách học đó dẫn đến vai trò chủ động chỉ của người thầy, còn học trò bị động tiếp nhận kiến thức, học thuộc lòng, thi xong là xong, dẫn đến tình trạng quá tải.

Trong khi đó, khoa học công nghệ, tri thức loài người phát triển như vũ bão, kiến thức dồn vào các nhà trường, dồn từ tiến sỹ, thạc sỹ xuống ĐH, dồn chưa hết thì tràn xuống phổ thông.

Về cách thiết kế các môn học, về đại thể có môn khoa học nào thì nhà trường có môn dạy đấy. Kéo theo chương trình là những vòng tròn đồng tâm, bậc ĐH vòng tròn to, bậc tiểu học vòng tròn nhỏ, dẫn đến sự trùng lặp.

Thực tế nhiều trùng lặp biết đấy nhưng không thể tránh được. Cách tư duy thiết kế như vậy dẫn đến quá tải, dạy thêm - học thêm. Vì kiến thức không biết thế nào cho đủ. Đưa tất cả các môn khoa học vào nhà trường cũng dẫn đến dạy học hàn lâm, xa rời cuộc sống.

Cách dạy - học như vậy dẫn đến cách thi, đánh giá học sinh chú trọng vào kiểm tra kiến thức. Học sinh nào nhớ nhiều, viết đúng lời thầy nói thì được điểm khá giỏi. Còn ngược lại thì điểm thấp. Cách thi, kiểm tra kiến thức của HS trở thành một trong những nguyên nhân chủ yếu quay trở lại cách dạy - học nặng về truyền thụ kiến thức, dạy thêm - học thêm.

“Dạy người” không chỉ là dạy về đạo đức

Bộ trưởng tâm sự: Cách dạy - học như thế không chỉ ở bậc phổ thông. Các trường ĐH về cơ bản cũng đang còn cách đó. Không phải vô lý khi có người nói ĐH là cấp 4. Lúc mới đầu nghe tôi tự ái, nhưng càng ngẫm nghĩ thì lại thấy đúng. Ta cần cầu thị, nhìn thẳng để phân tích tìm giải pháp.Từ đó dẫn đến điều chính ngành Giáo dục đã nhận thấy và xã hội cũng phê phán là việc theo đuổi cách dạy, cách học nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, “dạy người” ở đây không chỉ là đạo đức, mà còn là dạy kỹ năng mềm, khả năng ứng phó, giải quyết các vấn đề. Ngay khả năng nghe nhau cũng không giống như xưa. Ngày trước các cụ không dĩ hòa vi quý, nhưng nhẹ nhàng tiếp nhận, còn nay thì hơi một tí là nóng gáy, tức bực. Cách dạy cách học khiến quá trình hình thành phẩm chất, kỹ năng ít đi. Có người nói câu “người lớn nhưng chưa trưởng thành, to xác nhưng còn yếu kỹ năng” - có phần đúng với cách GD học sinh hiện nay.

Cách thiết kế chương trình, dạy - học, kiểm tra như trên trước đây cả thế giới thực hiện, không phải ngẫu nhiên xuất hiện ở Việt Nam. Nhưng 40 - 50 năm trở lại dây, trong xu hướng phát triển chung, trước đòi hỏi của thị trường lao động và sự cạnh tranh trong thị trường GD đã dẫn đến sự thay đổi trong cách thức thiết kế chương trình, mục tiêu, nội dung chương trình SGK…

Lớp học thời gian tới sẽ không còn học sinh ngồi dàn hàng nhìn bảng

Bộ trưởng khẳng định: Ngành Giáo dục phải chuyển, thay GD nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục chú trọng hình thành phát triển năng lực phẩm chất của người học. Tức là vẫn có dạy, có truyền thụ kiến thức, nhưng nếu trước đây việc truyền thụ kiến thức là mục tiêu, là nhiệm vụ chủ yếu và duy nhất thì nay, việc truyền thụ kiến thức là con đường, công cụ, phương thức để dẫn dắt các cháu hình thành năng lực và phẩm chất.

Theo đó, ở bậc tiểu học hàm lượng dạy nhiều, càng lên lớp trên, việc dạy càng giảm đi. Vai trò của người thầy không chỉ còn là truyền thụ kiến thức mà còn phải là người cố vấn, tổ chức, hướng dẫn giúp đỡ cho học sinh tự học, tự tìm hiểu.

Cùng đó, biến các học sinh học cá nhân thành học tập thể, học theo nhóm. Thiết kế phòng học sắp tới sẽ ngồi quây quần theo nhóm, thảo luận từng nội dung, trình bày ý kiến, bảo vệ, lắng nghe, phản biện ý kiến bạn khác, trình bày trước các bạn, trước thầy cô giáo về lập luận, phương án của mình. Và có thể các học sinh đưa ra đáp án khác nhau, nhưng điểm số giống nhau.

Hiểu cho đúng học tích hợp

Bộ trưởng khẳng định: Trong quá trình đó, vẫn có việc truyền thụ kiến thức, nhưng đó không phải là mục tiêu, mà đó là con đường, là công cụ, phương thức để hình thành năng lực phẩm chất của từng học sinh.
Để làm được việc này, trong bậc học phổ thông sẽ tích hợp ở lớp dưới. Ví dụ không còn Hóa, Sinh… mà là môn Khoa học Tự nhiên, không còn Sử, Địa mà là Khoa học Xã hội. Chúng ta đã thử nghiệm ra đề Văn là GD công dân, GD đạo đức, GD tình yêu con người, tình thương đồng loại.

Theo Bộ trưởng, ngành Giáo dục cân nhắc dùng chữ “tích hợp”, bởi nếu đưa vào Nghị quyết mà dùng thuật ngữ khoa học, sau đó phổ biến đến cán bộ, nhân dân thì rất khó để hiểu, đồng cảm. Phải làm thế nào để Nghị quyết đi vào đời sống, người dân bình thường đọc cũng hiểu, nên gọi là môn học “tích hợp”.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Có một số đồng chí lo, tích hợp là gom nhặt lại, rồi vẫn chịu sức ép. Xin nói rõ đây là cách diễn đạt nôm na, quần chúng để mọi người hiểu, còn lựa chọn kiến thức nào thì sẽ có tính toán, lấy chuẩn xem đưa gì vào để góp phần trực tiếp hình thành năng lực, phẩm chất của người học. Từ đó dẫn đến thay đổi thi cử ở bậc phổ thông. Phải tách việc đánh giá của thầy với việc đánh giá HS, đánh giá chất lượng nền GD.

Đổi mới sư phạm lấy đích đổi mới phổ thông

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Trong thời gian tới, các trường Sư phạm sẽ phải thay đổi rất căn bản và rất toàn diện.

Đổi mới Sư phạm lấy đích đổi mới phổ thông, lấy mô hình GV mới để làm. Bộ GD&ĐT đã làm việc với 6 trường sư phạm và thống nhất, trong khu vực sư phạm, nói về loại hình đào tạo sau ĐH với ĐH, bắt đầu từ bây giờ, chú trọng đào tạo ĐH; giữa chính quy với phi chính quy, ưu tiên chính quy; giữa đào tạo mới với đào tạo lại và bồi dưỡng, ưu tiên đào tạo lại;, giữa đào tạo và bồi dưỡng thì ưu tiên bồi dưỡng.

Phải có những chính sách đồng bộ, giải quyết từng bước việc này. Phải đổi mới nền GD phổ thông bằng chính những thầy cô giáo đang làm việc tại nhà trường. Chúng ta sẽ tổ chức đào tạo lại sau đó định kỳ trong việc bồi dưỡng. Các trường đại học cũng vậy - Bộ trưởng khẳng định.

 

Sẽ bỏ chuẩn trong môn Thể dục

“Với thể dục thể thao, tôi đang yêu cầu bỏ chuẩn, không nên làm cho học sinh phát khiếp về môn Thể dục, mà cần làm cho các cháu có ý thức rèn luyện thân thể, mỗi ngày tập luyện, dần dần vượt được bản thân mình là quý”.Năm 2014 không nhận hồ sơ nâng cấp trường lên ĐH “ Tôi tuyên bố năm 2014 không nhận hồ sơ nâng cấp trường lên ĐH, giữ ổn định của hệ thống. Trong một vài ngày nữa sẽ công bố văn bản này, các trường cần đứng vững trên mảnh đất của mình, chứ cứ đứng núi này trông núi nọ thì gay go. Bộ GD&ĐT không đóng chặt cánh cửa này, nhưng trường nào muốn nâng lên thì có chỉ định, và có quy trình để tránh việc xin - cho. Giám đốc ĐH vùng được bổ nhiệm hiệu trưởng các trường ĐH thành viên " Gần đây chúng tôi đã kiến nghị Thủ tướng để Giám đốc các ĐHQG được bổ nhiệm hiệu trưởng các trường thành viên. Tôi đang chỉ đạo các Vụ, Cục chức năng (Bộ GD&ĐT) soạn thảo quy chế để Giám đốc ĐH vùng cũng được quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng các trường ĐH thành viên.
Trên tinh thần phân cấp, Bộ chỉ nắm lại việc mở ngành, vì không thể để đào tạo các ngành nghề mất cân đối, ta phải có trách nhiệm cân đối "cung" ngành nghề này với "cầu" của người lao động".