• Loading...
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
 
Quản lý trường học: Một người lo bằng kho người làm
Ngày xuất bản: 29/04/2016 1:28:48 SA

Làm người quản lý trường học ai cũng lo lắng, muốn mọi việc hanh thông, hoạt động nào cũng mong làm chu đáo có tác dụng giáo dục. Suy cho cùng, trong nhà trường, mọi hoạt động đều có ý nghĩa giáo dục cả, từ lời ăn tiếng nói, nếp sống gọn gàng, ngăn nắp, vệ sinh, lao động... đến kết quả dạy văn hóa đại trà, kết quả bồi dưỡng mũi nhọn để có học sinh giỏi các môn, có giáo viên giỏi các cấp, các phong trào đoàn thể mạnh...v.v. và v.v... Như vậy người quản lý không lúc nào thấy được thảnh thơi, luôn luôn lo lắng, bận rộn, thậm chí căng thẳng (sức ép thời gian, tâm lý, công việc, quan hệ ngang, quan hệ trên, dưới...). Bất cứ việc gì trong trường cũng đặt ra câu hỏi cần suy xét, cân nhắc.

alt

- Khách quan mà nói, các vấn đề đặt ra cho giáo dục là “muôn thuở”, là vô cùng (người ta tính rằng cứ sau 7 năm thì kiến thức nhân loại lại tăng gấp đôi). Năm 1981 cải cách giáo dục nhằm mục tiêu trình độ giáo dục đào tạo của nước ta ngang bằng với các nước trong khu vực, nhưng chúng ta vẫn tụt hậu. Giáo dục đại học sau hơn 20 năm vẫn không có trường đại học nào đạt đẳng cấp quốc tế. Hiện Bộ GD đang xây dựng, triển khai Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" với rất nhiều bộn bề, tranh cãi.

- Trên phạm vi rộng còn như vậy, thiết nghĩ, trong một trường học cần xác định làm tốt nhiệm vụ trọng tâm là nuôi, dạy và học. Các hoạt động khác cần cân nhắc đến các yếu tố điều kiện và tính khả thi, cần cân đối giữa khả năng và yêu cầu, không cầu toàn. Uy tín của người quản lý là biết đặt quyền lợi của học sinh lên cao nhất, có giải pháp tăng cường cơ sở vật chất; nhưng cũng không ngừng cải thiện điều kiện làm việc và chăm lo đời sống của cán bộ, giáo viên về mọi mặt (biết dưỡng dân).

- Khi còn làm quản lý trường học, rất lâu sau tôi mới nhận ra rằng cũng công việc ấy, cũng đồng lương ấy nhưng mình biết sắp xếp cho họ (GV) được nghỉ ngơi thêm một giờ là quý một giờ, tăng cho họ thêm một đồng thu nhập là mình thêm một phần hạnh phúc... (Lúc đầu tôi thật ấu trĩ nghĩ rằng yêu cầu giáo viên làm việc càng nhiều, mình càng được cấp trên khen, nên tôi nghĩ ra rất nhiều hoạt động, thậm chí có lần 5 giờ sáng đã mắc loa gọi giáo viên sang trường làm việc...). Giáo viên, nhân viên đặt niềm tin vào mình, dựa vào mình, mình yêu cầu họ gắng sức lao động, nhưng mình cũng là người bênh vực quyền lợi cho họ từ cái nhỏ đến cái lớn. Bạn hãy tưởng tượng khi nhận được thông báo được nghỉ một buổi họp, họ cũng vui mừng thế nào! Thay vì họp, tôi viết thông báo, phát tờ photocopy, trao đổi riêng bộ phận theo chuyên môn, riêng từng người liên quan... gọn nhẹ, hiệu quả, tiết kiệm, thiết thực là trên hết. Thế nên, có một nguyên tắc là không yêu cầu giáo viên làm quá định mức quy định của nhà nước... Không khí làm việc, giao tiếp trong trường cần nhẹ nhàng, vui vẻ, văn hóa, đoàn kết trên tinh thần xây dựng và phối hợp công tác .

- “Dụng người như dụng gỗ” vì vậy trong trường học cắt đặt công việc hợp lý, đúng người, đúng việc, theo chuyên môn được đào tạo và biết “trọng dụng nhân tài”. Để kê bàn ghế, xới cỏ, cuốc đất.. thì cả trăm người làm được (lao động không qua đào tạo) nhưng để bồi dưỡng học sinh giỏi thì không phải ai cũng làm được. Vì vậy tuy là quan hệ phối hợp công tác bình đẳng xong cần hạn chế phân công giáo viên làm công việc tạp vụ “thân thể bị dầy đọa thì trí tuệ bị gông cùm”. Cần thấy rõ “số phận người quản lý là phụ thuộc vào đội ngũ giáo viên”, phải lắng nghe và thường xuyên đối thoại cởi mở với giáo viên, bởi chính họ mới quyết định chất lượng giáo dục và xếp hạng quản lý.

- Không nên ôm đồm nhiều việc (có câu:“Được lời khen ho hen chẳng còn”). Cần chọn việc mà làm cho có điểm nhấn. Như đặt vấn đề ban đầu: chẳng có nhà trường, nhà giáo, nền giáo dục nào dạy đủ được kiến thức, kỹ năng cho học sinh theo yêu cầu của cuộc sống khi nó không ngừng biến đổi. Hơn nữa, thực tế hiện nay, có người đỗ thủ khoa đại học vẫn khó tìm được việc làm, nhiều học sinh giỏi phổ thông học xong đại học vẫn cần doanh nghiệp đào tạo bổ sung, đào tạo lại, rất nhiều người không làm đúng chuyên môn được đào tạo…  Có rất nhiều kiến thức, kỹ năng mà học sinh tự học từ cha mẹ, anh chị, người xung quanh, từ sách vở, tài liệu và phương tiện truyền thông, từ cuộc sống, mà các thày cô đâu có dạy (nhiều em không ai dạy trò chơi điện tử, sử dụng điện thoại, máy tính... mà chúng vẫn giỏi đó thôi); nhiều bà mẹ sống ở thành phố có phân biệt đâu là vịt và ngan, đâu biết mổ gà hay cầm cuốc, cầm xẻng mà họ vẫn sống đàng hoàng thu nhập gấp nhiều lần chúng ta. Bác Hồ là một tấm gương sáng ngời về ý chí tự học, đó là khi trả lời nhà báo nước ngoài đặt câu hỏi: “Ngài tốt nghiệp trường đại học nào?”, Bác nói: “... Tôi tốt nghiệp trường đại học nhân dân ”.

- Suy cho cùng, trình độ giáo dục của một quốc gia không thể vượt lên trên trình độ của đội ngũ giảng viên, giáo viên phục vụ nó, và vì nhà trường, nhà giáo hiện nay chủ yếu  dạy cho học sinh cái mình có, chưa đáp ứng được cái xã hội cần, cuộc sống cần, cho thấy, sự thiếu hụt ngay từ lúc học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường. Bởi vậy mà người ta cần phải học suốt đời, lấy tự học làm cốt, có một bằng là chưa đủ, phải giỏi một, biết mười để thích ứng với cuộc sống ngày càng cạnh tranh gay gắt trong sự phát triển không ngừng của xã hội, của thế giới. Bộ giáo dục chủ trương chuyển hệ thống giáo dục cứng nhắc sang hệ thống giáo dục mở cũng là một tất yếu, theo hướng gắn với nhu cầu xã hội, tích hợp, giảm tải, giảm số môn học, tăng tự chọn, tự học... Và sau giai đoạn học tập bắt buộc (phổ cập) thì con người chuyển sang giai đoạn học theo nhu cầu, cần gì học nấy.

- Trong quản lý, đôi khi chúng ta tự làm khó, làm khổ mình. Một ví dụ : ngày 8/3, thay vì mặc trang phục đẹp để đón nhận những bông hoa tươi thắm của người khác giới chúc mừng ngày truyền thống vẻ vang của mẹ, của chị, của em gái thì chúng ta lại căng mình ra, hò hét học sinh mượn nồi niêu nổi lửa thi nấu ăn giữa sân trường dưới trời nắng. Rồi ngày 20 - 11 cũng tương tự. Bỗng chốc ngày truyền thống được tôn vinh trở nên nặng nề, cực nhọc cho các nữ nhà giáo, cho người thầy. Tại sao? đúng là phải vì học trò, không phải vì người lớn! nhưng vì học trò 9 tháng, đâu phải 1 ngày. Trước hết chúng ta cần quan tâm, trân trọng, tôn vinh ngày truyền thống của chính mình cho thực sự, cho đúng nghĩa rồi hãy đòi hỏi xã hội quan tâm (có câu : Không có bác sỹ nào chăm sóc sức khỏe cho mình tốt bằng chính mình). Đâu phải chỉ có thi nữ công gia chánh 8/3 học sinh mới biết nấu ăn, biết làm bánh trái? Chỉ có chúng ta tự huyễn hoặc mình mới vậy. Cũng ngày ấy, ta cần trưng cầu ý kiến của các nhà giáo, của nữ giới xem họ muốn gì, cơ sở vật chất có đáp ứng không, hoặc tổ chức như thế nào cho gọn nhẹ mà vẫn vui, ý nghĩa, trò được quan tâm mà cả cán bộ quản lý đến giáo viên đỡ khổ sở, thiệt thòi. Sẵn sàng thay đổi cách làm cho phù hợp cũng là học tập phong cách quần chúng của Bác Hồ, Người dạy: Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc đều vì lợi ích của quần chúng. Vì vậy, cánh tổ chức và cách làm việc nào không phù hợp với quần chúng, thì ta phải bỏ đi hoặc làm lại.

Một ví dụ nữa về sự quan tâm lẫn nhau: Có nơi công đoàn vận động cứ đến ngày sinh của những người trong cùng một tháng thì tổ chức mời cơm để người khác chúc mừng. Trong một tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên mà lứa tuổi, trình độ, mức thu nhập rất khác nhau thì làm sao có được sự đồng thuận với một lệ luật (bất thành văn) như thế; như vậy thật khó ứng xử cho cả “chủ” lẫn “khách”, vì đây là vấn đề nhạy cảm dễ phát sinh hiểu lầm và mâu thuẫn (dẫn đến “Hơn chẳng bõ hao”). Nên chăng, đến ngày sinh ai đó thì đại diện Nhà trường, Công đoàn, Phụ nữ có bó hoa tươi hay món quà nhỏ ý nghĩa (kinh phí cho phép) tặng với lời chúc tốt đẹp, chân thành mà thắm tình đoàn kết.

Như vậy mọi hoạt động trong nhà trường đều tay xoay việc, mọi mối quan hệ được êm thấm đều có vai trò quyết định của nhà quản lý. Một người lo bằng kho người làm!

Trần Văn Tho – HKH Tỉnh