• Loading...
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
 
Quyền của người thầy ngày càng bị rẻ rúng!
Ngày xuất bản: 29/04/2016 1:46:09 SA

Cô Lại Thị Mây nhiều lần bức xúc đến mức về nhà không nuốt nổi cơm. Cô giáo Thanh Hằng cũng đi sớm về muộn, nhờ ông bà chăm sóc con nhỏ. Chồng cô nhiều lúc ngán ngẩm lắc đầu.

Cô Mây trẻ, cô Hằng nhiều kinh nghiệm, là các cô giáo được phân công làm giáo viên chủ nhiệm. Lớp chủ nhiệm cũng thường được thầy cô ví như “con đẻ” của mình, mọi buồn vui đều dồn hết vào “đứa con” tinh thần ấy. Nhưng cũng vì thế mà nhiều thầy cô chủ nhiệm mất ăn, mất ngủ khi trong lớp có những học sinh  được liệt vào diện "cá biệt".

Bận hơn có con mọn

Cô giáo Nguyễn Thanh Hằng, một giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm của trường nên thường được ban giám hiệu giao nhiêm vụ đứng lớp có nhiều học sinh “cứng”.

Vì thế, trước mỗi buổi học, dù không có giờ dạy cô vẫn đến lớp sớm để nắm tình hình học sinh. Trưa trật, sau buổi học, vẫn thấy cô ngồi lại tâm sự, trao đổi, phân tích hoặc phạt những học sinh vi phạm. Thành ra, ngày nào cô cũng đi sớm về muộn, con nhỏ phải nhờ ông bà chăm sóc, con lớn thì nhờ chồng đưa đi học. Chồng cô nhiều lúc đã ngán ngẩm lắc đầu, tưởng lấy vợ làm giáo viên được nhờ, hóa ra còn bận hơn có con mọn.

alt

Vừa dỗ vừa dạy

Cô Lại Thị Mây đã có nhiều lần bức xúc đến mức về nhà không nuốt nổi cơm.

Cô là giáo viên trẻ, mới ra trường, được giao chủ nhiệm một lớp 10. Cô hào hứng và tâm huyết với nhiệm vụ được giao, nhưng lại vấp phải một vài “thành phần bất hảo” của lớp.

Có em liên tục bỏ tiết, cứ đến lớp học được một , hai tiết đầu, những tiết sau lại bỏ học, trèo tường đi chơi. Khi cô gọi lên hỏi: “Em bỏ tiết làm gì?”. Cậu học trò đáp: “Chơi”. Quá bất ngờ trước thái độ xấc xược của học sinh, cô đã nói: “Yêu cầu em về mời phụ huynh thứ 2 lên trường gặp cô”. Học sinh đáp: “Không biết có lên được không?”.

Cực chẳng đã, cô giáo đã phải lặn lội tìm đến tận nhà cậu học trò cá biệt nọ để tìm hiểu gia cảnh rồi ngậm ngùi quay về. Bố thì suốt ngày cờ bạc, rượu chè, mẹ thì đi làm ăn xa, có mời phụ huynh lên e cũng chả giải quyết được vấn đề gì. Thế là cô lao tâm khổ tứ vừa phải dỗ, vừa phải dạy, vừa phải nghiêm khắc rèn cậu học trò ấy.

alt

ảnh minh họa

Nỗi ám ảnh không tên

Điều mà giáo viên chủ nhiệm nản nhất là gặp phải những cậu học trò bất cần.

Những học trò ấy đến lớp như công việc bố mẹ bắt mình phải làm, còn ngồi ở lớp có học hay không là việc của mình.

Trong giờ, ngủ chán, em quay sang chọc ghẹo các bạn ngồi bên. Cô giáo bộ môn nhắc nhở, em vẫn thờ ơ. Lúc nào thích thì em ngồi lại lớp học, không thích thì lại tìm mọi cách trốn học để đi chơi. Hơn 10 môn, em chỉ ghi vào 1 cuốn vở, trang đầu ghi hóa, giữa ghi văn, cuối ghi địa, thi thoảng lai có những trang xen giữa nháp linh tinh hoặc ghi chép những câu vớ vẩn.

Kiểm tra bài cũ, em không thuộc. Bị điểm kém, em vẫn cười hớn hở. Dù giáo viên chủ nhiệm có xếp loại hạnh kiểm yếu, mời phụ huynh lên nhiều lần, cảnh báo nguy cơ lưu ban, em vẫn không thay đổi thái độ.

Thầy Hoàng Văn Dũng chia sẻ: “Nhiều lần đứng trước học trò tôi đã phải kiềm chế. Cứ nghĩ nếu là con mình thì sẽ cho một trận nên thân. Thế nhưng, nếu chỉ vì quá bức xúc, thầy cô quát mắng hay xách tai học trò thì cứ đợi đấy, ngay buổi chiều thôi ảnh và clip của mình sẽ truyền đi khắp trường, có khi lên cả mặt báo, rồi ban giám hiệu, thanh tra, kỉ luật, mệt lắm, có ai hiểu cho đâu”.

Khi học trò hư, tất nhiên, trách nhiệm đầu tiên sẽ thuộc về người thầy. Nhưng thầy cô không phải thánh thần để hô biến trò hư thành trò ngoan, nhất là khi cái Quyền của người thầy đang ngày càng bị rẻ rúng.

Hãy thử một lần đặt mình vào vị thế những người đang hàng ngày đứng trên bục giảng, không phải chỉ để dạy học, mà để dạy làm người, nhất là với những học trò cá biệt, ta sẽ có cái nhìn độ lượng và thông cảm hơn chăng?

Chia sẻ của cô giáo Trang Nhung