• Loading...
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
 
Xứng đáng Người thầy trong lòng nhân dân
Ngày xuất bản: 29/04/2016 1:41:46 SA

alt

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định: “Nghề thầy giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý; nghề sáng tạo trong các nghề sáng tạo”. Dân tộc Việt Nam với truyền thống hiếu học, từ xa xưa, trong tâm thức văn hoá người Việt luôn đề cao vai trò người thầy “tôn sư trọng đạo”. Làm người, có ai không nhớ, không biết đến câu tục ngữ: “Không thầy đố mày làm nên”, thầy cô mang đến cho chúng em chân trời tri thức mới.

Đối với mỗi người học trò, trên con đường tiếp cận kho tri thức nhân loại, đều gặp nhau ở chỗ là họ luôn cần đến sự định hướng, dìu dắt của người thầy.

“Mấy ai là kẻ không thầy

Thế gian thường nói đố mày làm nên”

Theo bước đi của thời gian và sự vật xoay vần; mỗi người chúng ta - từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành luôn được chăm sóc, dạy dỗ bởi bàn tay, khối óc, tấm lòng cao cả, nhân hậu của nhiều người. Khi còn nhỏ, là ơn nuôi dưỡng “như núi Thái Sơn” của cha, nghĩa sinh thành “như nước trong nguồn” của mẹ. Rồi khi lớn lên, cắp sách tới trường thì chính thầy giáo là người nâng niu, uốn nắn, chắp cánh cho ta:

“Mẹ cha công sức sinh thành

Ra trường thầy dạy học hành cho hay”

“... Ai nâng cánh ước mơ cho em

là thầy cô không quản ngày đêm”

Gia đình là trường học đầu đời, cha mẹ là người thầy đầu tiên và khi đến trường: “Cô giáo như mẹ hiền” Thầy giáo dạy học trò trên nhiều phương diện, lĩnh vực theo  bước đi năm tháng và sự hình thành nhân cách, nhưng trước hết là dạy để trẻ biết đọc và biết viết :

“Công cha, áo mẹ, chữ thầy

Gắng công mà học có ngày thành danh”

Rồi không chỉ dậy “chữ”, tiếp đó là thầy dậy, trò học để biết, để làm việc, để chung sống, và hoàn thiện nhân cách. Người học trò lớn khôn, trưởng thành qua mỗi bài giảng của thầy. Đến một ngày kia thành đạt, vẫn luôn ghi nhớ công lao của thầy:

“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”

(Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy)

Nhân dân rất coi trọng thầy giáo, nghề dạy học, họ đúc kết lại trong những câu tục ngữ, ca dao mộc mạc, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc mà sâu sắc. Cũng bởi xuất phát từ chỗ nhận thức rõ vị trí của người thầy, mà nhân dân đã không quên nhắc nhở học trò lòng tôn trọng, yêu kính và biết ơn thầy.

“Muốn sang thì bắc cầu Kiều

Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy”

Lòng yêu kính ấy, được biểu hiện qua nét ứng xử bằng nhiều cách thức khác nhau, trong đó có phong tục lễ, Tết. Mỗi năm đến ngày 20/11 phụ hunyh, học sinh thăm hỏi, tri ân thầy cô giáo; khi tết cổ truyền của dân tộc, như đã trở thành đạo lý ngàn đời, mỗi người chúng ta, ngoài sống có hiếu với cha, với mẹ, còn phải sống có nghĩa với thầy. “Mùng một tết cha, mùng hai tết chú, mùng ba tết thầy” Quan niệm thầy - trò theo nếp này, một cách tự nhiên đã trở thành thứ tình nghĩa cao cả, thiêng liêng trải suốt bao đời nay, các thế hệ nối tiếp nhau, tạo nên truyền thống văn hóa đẹp đẽ của dân tộc: Truyền thống tôn sư trọng đạo:

“Nhất nhật vi sư”

(Một ngày cũng là thầy)

Khi lớn lên, dù đi đâu, sống ở phương trời nào, người học trò cũng không thể quên công lao dạy dỗ của thầy:

“Mai sau lớn khôn rồi, làm sao có thể nào quên, ngày xưa thầy dậy dỗ, khi em tuổi còn thơ”. Lời hứa hẹn của người học trò về sự “đền ơn đáp nghĩa” một ngày kia họ thành đạt được thể hiện:

“Bao giờ anh chiếm bảng vàng

Ơn thầy ta trả, nghĩa nàng nào vong”

Đồng thời cũng nhắc nhở những ai hay quên ơn thầy, “cảnh báo” những kẻ “vong ơn bội nghĩa”:

“Yêu kính thầy mới được làm thầy

Những phường bội bạc sau này ra chi”

alt

Đảng, nhà nước coi giáo dục – đào tạo là quốc sách hàng đầu, theo đó vị trí người thày cũng được tôn vinh. Từ năm 1982, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam, một quyết định hoàn toàn phù hợp với truyền thống đạo lý, nguyện vọng của dân tộc, là ngày tôn vinh thày cô giáo, ghi nhận những đóng góp vô cùng to lớn của đội ngũ nhà giáo, ngành giáo dục đối với nhân dân và đất nước.

Tuy nhiên, trong cơ chế kinh tế thị trường, hiện tượng suy thoái đạo đức và phẩm chất của một số ít thầy, cô giáo - họ không xứng đáng với những gì xã hội tin cậy, gửi gắm, tin yêu là điều có thật; song không hẳn là phổ biến, nó cũng chẳng hoàn toàn đại diện cho sự “xuống cấp” đạo đức của đội ngũ nhà giáo, chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Bởi lẽ, ở bất cứ nơi đâu, trên mảnh đất này, vẫn không thiếu hình ảnh những người thầy, người cô dẫu còn trẻ mà đã hăng hái vượt đại ngàn lên vùng cao giảng dạy, ngày ngày “cõng chữ lên non”. Và rất nhiều những người thầy, người cô vẫn ngày đêm trăn trở, mê say, đắm mình vào trang giáo án với mong mỏi: Ngày mai, trên bục giảng sẽ đem đến cho học trò những chân trời tri thức mới.

Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đặt ra cho ngành giáo dục và đào tạo những nhiệm vụ nặng nề nhưng vô cùng vẻ vang. Vì vậy người thầy cần đổi mới, sáng tạo trong dạy học trước vô vàn kiến thức, nguồn tài nguyên khoa học kỹ thuật vô tận; say mê, bền bỉ, cần cù, nghiêm túc và sáng tạo trong lao động sư phạm… Ngoài ra, người thầy cũng cần nêu cao lương tâm và trách nhiệm, phải cương quyết đấu tranh loại trừ những biểu hiện chạy theo thành tích, xúc phạm đến nhân cách và thân thể học sinh, hoặc cố kiếm tiền bằng mọi hình thức, tự đánh mất mình, làm ảnh hưởng chung đến uy tín của đồng nghiệp, mất lòng tin của xã hội. Đặc biệt, nhà giáo phải không ngừng nêu cao đạo đức, tác phong gương mẫu, thương yêu, gần gũi học sinh, gắn bó, đoàn kết với đồng nghiệp, thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Vinh quang thuộc về những người thầy đang viết tiếp những trang sử hào hùng của nền giáo dục cách mạng. Nhân Ngày nhà giáo Việt Nam, chúng ta tri ân cùng các thầy cô và giữ trọn niềm tin yêu rằng: nhân dân ta đã - đang và sẽ mãi nối tiếp truyền thống tôn sư trọng đạo. Chúng ta luôn luôn hy vọng, chờ trông ở đội ngũ nhà giáo, “những kỹ sư tâm hồn” góp sức xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, đưa dân tộc ta trở thành một dân tộc thông thái như Bác Hồ kính yêu hằng mong đợi.

Trần Văn Tho – HKH tỉnh