• Loading...
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
 
'Không thầy đố mày làm nên'
Ngày xuất bản: 05/09/2016 2:39:34 SA

 

Hồi mới sang Đại học FPT đi dạy, tôi tự tin lắm. Dù gì tôi cũng là doanh nhân thành đạt, đến trường nói chuyện, sinh viên đông nghịt, còn bán vé được. Chọn môn “tinh thần doanh nhân”, đúng sở trường. Sách giáo khoa ổn, bài tập ổn, kinh nghiệm tôi không thiếu.

Đúng ngày, đúng giờ, tôi háo hức lên giảng đường.

- Các em, thầy là Nam, rất vui được làm việc với các em. Ta bắt đầu nhé. Cho thầy hỏi, tại sao các em lại đăng ký học môn này?

Lòng tôi khấp khởi, đợi chờ những câu trả lời có cánh của những học trò biết rõ tôi là ai.

Nhưng lạ, không một cánh tay nào giơ lên.

Truy mãi, cũng có một cậu lí nhí.

- Em cũng định đăng ký môn khác, nhưng hết chỗ rồi. Mà cũng chỉ có khung giờ này là em còn rảnh. Đành vậy.

- Các em khác cũng vậy hả? - Cả lớp im lặng cúi đầu (chắc là đồng ý).

- Vậy mục đích học của em là gì?

- Thưa thầy, phải đỗ ạ, không thì không được làm đồ án.

Vì mục đích đó, tôi đã hết sức cố gắng cùng các em. Chúng ra trường, đều có việc ổn định, một số khá thành công. Nhưng tôi không tin lắm về sự đóng góp của mình.

Nhiều khi ngồi nghe bài giảng của các thầy cô, tôi cứ nghĩ vẩn vơ. Nếu coi thầy cô là ca sĩ, bài giảng là bài hát, giảng đường là phòng hòa nhạc, các sinh viên là khán giả, thì sẽ còn lại bao nhiêu sinh viên ở trong lớp? Thậm chí đa phần các thầy cô có thể sẽ phải trả tiền để sinh viên tiếp tục ngồi nghe.

Từ lâu, tôi đã rất băn khoăn với câu tục ngữ mang tính "thách đố" rằng "Không thầy đố mày làm nên". Cách hiểu ấy đến nay tôi cho là đã nhiều phần lạc hậu.

Thời đại đã thay đổi, thầy cô giáo không còn giữ thế độc quyền trong truyền thụ kiến thức. Học trò vẫn cần thầy, nhưng theo một cách khác. Học trò cần được biết rằng những kiến thức mà thầy cô đang giảng hôm nay, ngày mai có thể đã lạc hậu. Trong hành trình tìm chỗ đứng trong cuộc đời, bất kể ai cũng có thể là người dạy của chúng ta.

Nhưng nhiều thầy cô dường như vẫn đang ngộ nhận về vai trò độc quyền của mình trong việc đóng góp cho sự trưởng thành của học trò. Như trong mọi vấn đề khác, ngộ nhận về vai trò sẽ tạo ra những sai lệch về hành vi.

Bây giờ, tôi vẫn háo hức trước khi lên giảng đường. Nhưng giờ tôi háo hức với câu hỏi: "Tôi sẽ mang được điều gì đến cho các em" thay vì "Tôi là ai trong mắt các em".

Nguyễn Thành Nam