• Loading...
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
 
“Một dân tộc dốt, là một dân tộc yếu’’
Ngày xuất bản: 15/07/2021 3:41:00 CH

 

Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, nước ta đã trở thành một nước độc lập.

Chính quyền cách mạng non trẻ của nước ta ra đời trong thế “ngàn cân treo sợi tóc” vừa “thù trong, giặc ngoài” vừa nạn đói, nạn dốt hoành hành. Ngân khố cạn kiệt, hơn 80% dân số mù chữ.

Ngày 3/9/1945 trong buổi họp đầu tiên của Chính phủ, Hồ Chủ Tịch đã nói:‘‘Một dân tộc dốt, là một dân tộc yếu’’. ‘‘Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch chống nạn mù chữ’’...

Ngày 8/9/1945, Chính phủ ban hành sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ quyết định thành lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối.

Việc học chữ quốc ngữ bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người. Hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên 8 tuổi phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ.

Lời kêu gọi của Bác đã nhanh chóng thấm sâu vào tâm trí của mọi người dân, làm thức dậy lòng tự tôn dân tộc và thấy rõ trách nhiệm của mình.

Những nhà có nhà ở rộng rãi mở lớp học tư gia cho bà con xóm giềng, nhiều hoà thượng, linh mục cho mượn chùa, nhà thờ để làm lớp. Dùng cánh cửa, chiếu trải xuống đất cho học viên ngồi...

Lớp học khắp nơi, học trưa, học chiều, học tối. Lớp đông giáo viên, lớp một thầy một trò. Chữ viết sẵn trên bảng, treo trên khóm tre, bụi chuối, bờ ao để bà con học tập.

Để tăng cường và đẩy mạnh việc học, việc hỏi chữ được thiết lập. Những người nào đọc được các chữ viết trên các bảng đen, các tẩm mẹt dựng bên các bến đò, cổng làng, cổng chợ... thì được đi qua cổng trang trí đẹp gọi là “Cổng vinh quang” để đi vào chợ, sang sông, về làng. Ai không đọc được phải đi vào "cổng mù’’. Với những hình thức ấy đã thôi thúc và khích lệ toàn dân nô nức đi học

Chỉ sau một năm hoạt động Bình dân học vụ (08/09/1945 đến 08/09/1946) đã có 2.520.678 người thoát nạn mù chữ (dân số lúc đó là 22 triệu người). Đến năm 1948 cả nước đã có gần tám triệu đồng bào thoát nạn mù chữ.

 

Bác Hồ với phong trào Bình dân học vụ. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho các chiến sĩ bình dân học vụ, Người căn dặn cần phải tiếp tục tiến lên một bước nữa dạy cho đồng bào:

‘‘1. Thường xuyên vệ sinh, để dân bớt ốm đau.

2. Thưởng thức khoa học, để bớt mê tín nhảm.

3. Bốn phép tính, để làm ăn có ngăn nắp

4. Lịch sử và địa dư nước ta, để nâng cao lòng yêu nước.

5. Đạo đức của công dân, để thành người công dân đứng đắn."

Sau năm 1975 đất nước thống nhất, phong trào xóa nạn mù chữ cũng đã được mở rộng đến tất cả tỉnh thành, nhất là việc dạy học cho đồng bào các dân tộc ở vùng sâu vùng xa rất khó khăn.

Nhiều năm sống dưới chính quyền cũ, chiến tranh tàn khốc, hầu hết đồng bào không được học. Người dạy học cũng không có. Nhưng với tinh thần quyết tâm xóa nạn mù chữ để nâng cao nhận biết và hiếu học của nhân dân, Giáo sư Phạm Minh Hạc Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia chống nạn mù chữ đã nói với các bạn mới biết đọc biết viết rằng:

‘‘Trải qua nhiều năm tháng các bạn chăm chỉ học tập, vượt qua nhiều khó khăn, lại chăm lo chu toàn việc lao động sản xuất, việc gia đình, công việc làng xóm, nay các bạn đã biết đọc biết viết, biết tính toán đó là thành tích rất đáng khích lệ, các bạn đã nêu gương sáng cho con em học tập’’.

Thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch và để ngăn ngừa người mới biết đọc, biết viết bị mù chữ trở lại, năm 1995 Ủy ban Quốc gia chống nạn mù chữ đã cho ấn hành tờ báo Dân trí chữ to dành cho người mới biết chữ.

Báo Dân trí chữ to ra đời đã được sự đón nhận của hàng triệu học viên xóa mù chữ và sau xóa mù chữ, các giáo viên Bồ túc văn hóa các tỉnh thành trong cả nước, nhằm duy trì và phát triển kết quả biết chữ.

Báo có nhiều chuyên mục, gửi đến người mới đọc thông viết thạo những thông tin cần thiết, đơn giản dễ hiểu và giữ gìn sực khỏe, vệ sinh môi trường, cách chữa bệnh bằng cây thuốc vườn nhà, nuôi con bằng sữa mẹ...

Gọi là báo Dân trí chữ to thì chữ phải đẹp, có rất nhiều kiểu chữ như: chữ thường, chữ in hoa, chữ nghiêng, chữ đứng giúp người đọc làm quen và nhận biết khi đọc các tờ sách báo khác.

Một tờ báo duy nhất thời đó không có tiền nhuận bút cho tác giả, nhưng rất đông đảo các nhà sư phạm, các nhà văn, nhà thơ, nhà báo và bạn đọc xa gần đã nhiệt tình tham gia cùng Ủy ban Quốc gia chống nạn mù chữ hoàn thành sứ mạng của mình.

Năm 2000 theo thống kê thì tất cả các tỉnh thành trong cả nước với 98,63% số quận huyện; 98,53% số xã phường đã đạt chuẩn quốc gia xóa mù chữ. 94% dân số trong độ tuổi tuổi 15 đến 35 đã biết chữ.

75 năm qua, đây là mốc son lớn nhất trong nền giáo dục quốc dân.

Ngày nay công nghệ truyền thông phát triển mạnh mẽ, Việt Nam là nước có số người sử dụng internet cao trong các nước Đông Nam Á, trẻ em đến cụ già tám mươi tuổi đều biết sử dụng các thiết bị điện tử.

Cả nước đang bước vào cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật 4.0. Có được như vậy chúng ta vô cùng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm trước Người đã đạt nền tảng cho toàn dân xóa nạn mù chữ. ‘‘Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu’’. Đó là minh triết giáo dục cho mọi dân tộc và mọi thời đại.

Nhà giáo Nguyễn Phong Niên