• Loading...
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
 
Đổi mới dạy học môn Giáo dục Công dân: Kinh nghiệm các nước
Ngày xuất bản: 29/04/2016 5:19:31 SA

Nhiều quốc gia trên thế giới xác định môn Giáo dục công dân (GDCD) vô cùng quan trọng trong việc hình thành nên những thế hệ công dân trong tương lai. Tại mỗi nước lại có những chương trình, mục tiêu, phương pháp GDCD khác nhau để phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế của nước mình. 

Trung Quốc đã có sự cải cách đáng kể về chương trình giáo dục đạo đức, tư tưởng chính trị. Nếu trước đây, chương trình chỉ chú trọng giáo dục trên lớp thì nay đã đưa hoạt động thực tiễn vào chương trình. Nội dung chương trình tránh thuyết giải về những giá trị tư tưởng chính trị cao xa, chuyển sang những nội dung gắn bó với cuộc sống, có ích cho sự trưởng thành về nhận thức và hành vi đạo đức, đồng thời thiết thực, phù hợp với từng lứa tuổi học sinh.

Trong quá trình giáo dục, nhà trường đã chú trọng đến việc tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng, qua đó trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm và vốn sống để khi có điều kiện có thể vận dụng để giải quyết vấn đề do cuộc sống đặt ra cho mỗi người và cho cộng đồng, xã hội. Chương trình thể hiện rõ tính tích hợp các nội dung và hoạt động có liên quan nhằm giảm bớt sự nặng nề, trùng lặp, tránh quá tải cho học sinh...

alt

Ở nhiều nước, môn GDCD giúp HS phát triển độc lập và tự chủ

Tại Singapore, môn Đạo đức và công dân là môn học độc lập được dạy từ Tiểu học đến THCS và tiếp cận theo năng lực. 

Đáng chú ý, nội dung môn Đạo đức – GDCD cấp Tiểu học, THCS của Singapore tập trung vào sáu giá trị cốt lõi, đó là: Tôn trọng; Trách nhiệm; Liêm chính; Quan tâm, chăm sóc; Tính kiên cường, khả năng ứng phó; Sự hòa hợp. Với mỗi giá trị lại được thiết kế theo chủ đề dựa trên các mối quan hệ. Các giá trị này xuyên suốt từ Tiểu học đến THCS nên mang tính hệ thống và phát triển cao.

Nội dung chương trình môn Giáo dục đạo đức và công dân của Singapore cũng bao gồm giáo dục đạo đức và pháp luật. Phần pháp luật được lồng ghép vào trong một số giá trị. Các chủ đề trong chương trình môn Đạo đức, GDCD được thể hiện việc hình thành và phát triển ở học sinh các năng lực như: Tự nhận thức; Tự quản; Nhận thức xã hội; Quản lý các mối quan hệ; Chịu trách nhiệm trong việc ra quyết định... 

Với Hàn Quốc, giáo dục đạo đức được coi như là môn học có mục đích giúp học sinh phát triển nhân cách độc lập và tự chủ bằng cách học các giá trị đạo đức cơ bản cũng như các quy tắc ứng xử xã hội tốt, phép lịch sự và hình thành các năng lực tư duy, lập luận đạo đức giúp cho học sinh giải quyết các vấn đề đạo đức trong cuộc sống của mình.

Mục tiêu giáo dục đạo đức ở từng cấp học cũng rõ ràng. Đối với cấp Tiểu học: Học sinh sẽ được phát triển các khả năng và thái độ đạo đức đối với cuộc sống hài hòa với người khác trong cộng đồng bằng cách không chỉ học các chuẩn mực đạo đức và các phép tắc xã giao lịch sự mà còn thực hành các lập luận và các kỹ năng đạo đức trong cuộc sống hàng ngày.

Đối với cấp THCS: Học sinh được phát triển các khả năng và thái độ đạo đức đối với một cuộc sống đúng đắn và có lý bằng cách không chỉ thúc đẩy hơn nữa những hiểu biết của chúng về các giá trị và chuẩn mực đạo đức mà còn tập luyện các năng lực lập luận và động cơ hành động đạo đức trong xã hội hiện đại.

Với cấp THPT: Học sinh sẽ được phát triển các năng lực lập luận đạo đức chủ động và thực hành các năng lực bằng cách giải quyết các vấn đề đạo đức cá nhân và cộng đồng thông qua nghiên cứu các yếu tố cơ bản của đạo đức và áp dụng giải quyết chúng theo quan điểm tích hợp/liên ngành. 

Tại Nhật Bản, giáo dục đạo đức được tiến hành qua các hoạt động nhóm, nhằm đẩy mạnh sự phát triển hài hòa thể chất, trí tuệ, tự hoàn thiện sự phát triển... Đáng chú ý, Nhật Bản còn giáo dục đạo đức thông qua hoạt động hàng ngày.

Tất cả các trường từ thành thị đến nông thôn, từ cấp Tiểu học đến THPT đều bắt buộc học sinh phải làm vệ sinh lớp học và những nơi công cộng trong trường. Việc làm này không những tạo ra một môi trường và bầu không khí học tập tốt mà còn giáo dục nhiều mặt như giá trị lao động, kỹ năng lao động, tinh thần hợp tác, đoàn kết trong lao động, tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật...

Học sinh tiểu học cũng được nuôi dưỡng, chăm sóc vật nuôi, cây trông hàng ngày, quanh năm ngay cả ngày hè nhằm gắn chặt với môn khoa học, làm quen với thiên nhiên, sinh vật quanh môi trường sống, dần dần hình thành lòng yêu sinh vật, yêu thiên nhiên, yêu quý cuộc sống...

Văn Lê(Tổng hợp)