• Loading...
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
 
Thi cử và đánh giá ở một số nước trên thế giới
Ngày xuất bản: 29/04/2016 5:18:26 SA

Hiện giáo dục Trung Quốc đã quyết định thay đổi đánh giá theo hướng “đa dạng/mềm mỏng” như các nước Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm. Cùng đó, mô hình đánh giá của các nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Pháp cũng được một số quốc gia học hỏi.

alt

Ảnh minh họa

Đánh giá theo hướng đa dạng/mềm mỏng

Đó là “hệ thống đánh giá mang tính phát triển”, tập trung đến tất cả các khía cạnh của việc học, sử dụng nhiều kỹ thuật đánh giá và chú trọng hơn đến việc người học tiến bộ như thế nào trong quá trình học tập. Theo đó, việc đánh giá ở trường được chia làm 2 phần:

Phần đầu gọi là “đánh giá chất lượng tổng quát”, tập trung đánh giá sự phát triển của người học về: 1/ Thái độ đạo đức; 2/ Nhận thức công dân; 3/ Thái độ học tập; 4/ Khả năng giao tiếp và hợp tác; 5/ Phát triển thể chất; 6/ Cảm thụ thẩm mỹ. Kết quả đánh giá được báo cáo bằng việc mô tả định tính cùng với việc cho điểm.

Phần thứ hai tập trung đánh giá kết quả học tập về: 1/ Kiến thức và kỹ năng; 2/ Phương pháp và quá trình học; 3/ Tình cảm, thái độ và giá trị.

Căn cứ trên chuẩn chương trình quốc gia, các nhà trường được phép đề ra mục tiêu phù hợp với HS của trường. Hình thức đánh giá đa dạng hơn như kiểm tra viết, kiểm tra qua hoạt động, giáo viên quan sát, trao đổi giữa giáo viên và người học, người học thuyết trình, người học tự đánh giá và người học đánh giá lẫn nhau. Để giảm áp lực thi đua, Bộ Giáo dục cũng ban hành chính sách cấm việc xếp hạng HS, GV và nhà trường.

Ngoài ra, chính sách mới cũng giảm áp lực đối với các bài kiểm tra và các kỳ thi. Kỳ thi tốt nghiệp tiểu học do các trường tự quyết định; kỳ thi tốt nghiệp THCS và tuyển sinh vào THPT sáp nhập thành một kỳ thi tuyển sinh do các địa khu tổ chức; kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây là bắt buộc do cấp tỉnh tổ chức nay do Phòng giáo dục các địa khu tùy ý quyết định có tổ chức hay không.

Các đề về kiểm tra cũng có xu hướng giảm tải cho người học. Mặc dù đã nỗ lực cải cách, song kỳ thi tuyển sinh vào THPT ở cấp địa khu và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ của Trung Quốc vẫn còn tạo áp lực nặng nề cho người học. Điều này khó thay đổi vì hệ thống trường ĐH, CĐ chỉ cho phép tuyển sinh với một số lượng hạn chế. Tuy vậy, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã và đang có khuynh hướng giao cho các tỉnh tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học căn cứ trên nhu cầu và khả năng của địa phương.

Thang điểm đặc biệt ở Pháp

Hệ thống đánh giá của giáo dục Pháp sử dụng cách tính điểm theo thang điểm 20. Về lý thuyết, điểm 20 là điểm cao nhất và điểm 0 là điểm thấp nhất, nhưng trong thực tế, hiếm khi người học đạt thấp hơn điểm 6 và cao hơn điểm 16. Dựa vào thang điểm trên, người học được đánh giá như sau: Trên 10 là đỗ; Từ 10 -11 là đạt yêu cầu; Từ 12 -13 là tốt; Từ 14 -15 là rất tốt;  Từ 16 -17 là xuất sắc; 18 -19 là khá hoàn hảo; 20 là hoàn hảo.

Hệ thống giáo dục Pháp rất coi trọng việc thi cử và cấp bằng; các kỳ thi được tổ chức rất nghiêm ngặt. Hiện nay vẫn tồn tại kỳ thi tốt nghiệp THCS (Bằng tốt nghiệp chu kỳ đầu) và kỳ thi tú tài quốc gia. Tỷ lệ học sinh đỗ tú tài thường không cao.

Học sinh đỗ tú tài gần như chắc chắn được tuyển vào CĐ, ĐH. Chính vì điều này mà áp lực là rất lớn, đòi hỏi HS phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua các kỳ thi cuối cấp.

Các kỳ kiểm tra ở Mỹ

Đối với chương trình phổ thông, mặc dù chương trình học khá phong phú và đa dạng giữa các trường, HS đều phải trải qua một cuộc thi trắc nghiệm theo tiêu chuẩn thống nhất. Nếu kết quả của hạt hoặc trường nào không đạt tiêu chuẩn thì hạt hoặc trường đó có thể không được nhận đủ ngân sách hoặc bị những chế tài khác.

Để có thể được nhận vào các trường ĐH, HS phải vượt qua kỳ thi kiểm tra năng lực học vấn (SAT) hoặc kỳ thi tuyển sinh vào ĐH (ACT). Học sinh quốc tế muốn theo học tại một trường ở Mỹ yêu cầu phải chứng tỏ khả năng thông thạo Anh ngữ thông qua điểm số đạt được theo quy định, thông thường từ 500 đến 550, đối với bài kiểm tra dành cho người sử dụng tiếng Anh như một ngoại ngữ (TOEFL). Một số trường cũng chấp nhận điểm số của hệ thống kiểm tra tiếng Anh quốc tế (IELTS).

Để có thể được nhận vào các chương trình sau đại học, tùy theo mỗi ngành học khác nhau, sinh viên thường phải vượt qua một số kỳ thi như kỳ thi xác nhận trình độ đại học (GRE), bài kiểm tra nhận vào trường y khoa (MCAT), bài kiểm tra nhận vào trường luật (LSAT)…

Điểm trung bình GPA tích lũy cuối khóa qua nhiều môn học là cơ sở để xét tuyển vào bậc học cao hơn hoặc đi xin việc làm.

Minh Thư