• Loading...
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
 
Thư của Tiến sỹ Thào Xuân Sùng - UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Sơn La
Ngày xuất bản: 29/04/2016 5:00:51 SA

Thư gửi

Đại hội lần thứ III Hội khuyến học tỉnh Sơn La,

Kỷ niệm 10 năm thành lập Hội Khuyến học tỉnh và

đón nhận huân chương lao động hạng ba

Thưa đoàn chủ tịch,

Thưa các vị đại biểu khách quý,

Thưa toàn thể các đồng chí và các bạn,

Hôm nay, Hội Khuyến học tỉnh Sơn La tổ chức đại hội lần thứ ba, kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Hội Khuyến học tỉnh và đón nhận huân chương cao quý – Huân chương lao động hạng ba với sự hiện diện đông đủ của các vị đại biểu khách quý và đại biểu xuất sắc của 12 dân tộc anh em trong tỉnh. Thay mặt tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và nhân danh cá nhân, tôi chân thành nhiệt liệt chúc mừng và gửi tới đại hội niềm phấn khởi, tự hào về sự lớn mạnh của phong trào khuyến học, khuyến tài của tỉnh nhà, đánh giá cao và trân trọng ghi nhận đóng góp quan trọng của ban chấp hành Hội Khuyến học tỉnh do Nhà giáo ưu tú Trần Luyến làm chủ tịch, cảm ơn Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và Trung Ương Hội Khuyến học Việt Nam đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ đối với Hội Khuyến học tỉnh Sơn La, chúc sức khỏe các vị đại biểu và chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Thưa các đồng chí và các vị đại biểu!

Tối rât vui mừng và nhất trí cao với báo cáo của Ban Chấp hành Hội Khuyến học tỉnh Sơn La kiểm điểm đánh giá hoạt động Hội và phong trào Khuyến học, Khuyến tài xây dựng xã hội học tập của tỉnh Sơn La trong 5 năm qua. Báo cáo đã đánh giá đúng, nêu bật những thành tích nổi bật và những hạn chế yếu kém của phong trào, khẳng định sự nỗ lực cố gắng vượt bậc và những cách làm sáng tạo của Hội Khuyến học tỉnh Sơn La, đóng góp xứng đáng vào mục tiêu nâng cao dân trí và đào tạo nguốn nhân lực chất lượng cao của tỉnh ta. Với tinh thần vừa là người lãnh đạo, vừa là học trò nhỏ của nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La trong đại gia đình hiếu học Việt Nam, nhìn lại 10 năm và trải nghiệm những tháng năm học tập dưới mái trường XHCN cũng như trường học thực tiễn hoạt động chính trị – xã hội của bản thân, tôi vô cùng xúc động khi tận mắt nhìn thấy, tai mình nghe sự trưởng thành với những đóng góp to lớn của các thầy giáo, cô giáo Ngành Giáo dục và Hội Khuyến học Việt Nam vào sự nghiệp “trồng người”vì lợi ích trăm năm của dân tộc Việt Nam ta. Bác Hồ kính yêu đã nói : “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, nên Người để lại di chúc thiêng liêng với lời căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”. Với thành tựu giáo dục, khuyến học, khuyến tài hôm nay, tôi thấm thía một cách sâu sắc và mãi mãi khắc ghi lời dạy của các bậc thánh nhân trên văn bia khoa thi năm 1442 tại Văn miếu Quốc Tử Giám : “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy, cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo xây dựng nhân tài”.

Với niềm phấn khởi, tự hào và xúc động sâu sắc, xin phép đại hội cho tôi được tâm sự đôi điều mà bản thân tôi hằng suy nghĩ: học, hành; chỉ có học và hành mới nên người có ích cho tổ quốc thân yêu.

Tôi sinh ra và lớn lên sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 tại xã Long Hẹ, xã anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Thực dân Pháp xâm lược, nơi đây gần 100% đồng bào các dân tộc mù chữ quốc ngữ và tiếng Việt. Trong kháng chiến, cả nhà vào chiến khu, nhà cửa bị địch tàn phá, nương ngô bị địch chặt không còn một cây, nạn đói đe dọa toàn dân, bệnh tật cướp đi biết bao người dân, trong đó có ba em trai của mẹ tôi chết gục ngay bên hố củ mài vì đói và ông ngoại bị địch bắt tra tấn dã man do nuôi dấu cán bộ Việt Minh – Vệ quốc đoàn, nên sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cái đói, cái rét đã đeo đẳng và ám ảnh tôi trong suốt thời thơ ấu. Bố đi công tác, mình mẹ suốt ngày đầu tắt, mặt tối cặm cụi trên nương mà mèn mén không đủ ăn, cháo ngô độn rau tàu bay, rau rền, củ mài, thịt dế mèn in đậm trong trí nhớ tôi, đến nỗi tôi bị gọi là “Sùng đuôi chó” vì cứ chạy lon ton theo đuôi một con chó của hàng xóm để gỡ lấy một tí cơm nếp dính vào đuôi con chó đó và tôi đã đưa vào miệng rồi ăn một cách ngây thơ trong nước mắt xót thương tột cùng của mẹ. Nhà nghèo quá lại đông anh em, nên bố mẹ không thể mua đủ quần áo, giầy dép, mũ nón, chăn đắp cho các con dù yêu thương vô bờ bến. Tôi và anh tôi được “ưu tiên” nằm trên một tấm da bò và được đắp một chiếc chăn chiên màu đỏ mà “nó”đã sưởi  ấm cho tôi tới khi học xong đại học năm 1984.

Ở vùng cao quê tôi những năm 1960 mới có một trường cấp I để dạy chữ và dạy tiếng Việt cho cả học sinh nhỏ tuổi cũng như lớn tuổi, đặt tại xã Cò Mạ là địa điểm trung tâm của sáu xã vùng cao huyện Thuận Châu, cho nên mãi đến năm 1968 – 1969 tôi mới được đến trường này để học chữ quốc ngữ và tiếng Việt. Tôi khao khát được đi học, được biết tiếng Việt, được gặp Bác Hồ, được đến Thủ đô Hà Nội qua những mẩu chuyện kể của bố trong những năm tháng ông làm lãnh đạo, chỉ huy chiến đấu chống Thực dân Pháp xâm lược và gặp Bác Hồ. Ngày 06 tháng 9 năm 1969, Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam truyền đến một tin tức đau buồn nhất đối với nhân dân các dân tộc nước ta : Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã từ trần.

Không chịu được tin Bác Hồ không còn nữa, tôi cùng nhiều bạn trong lớp nằm bẹp ở nhà không đến lớp học, rủ nhau vào rừng, chúng tôi khóc nhiều lắm, thế là tôi bị sốt liên miên, anh Tú là anh họ đành cõng tôi từ Cò Mạ về tới nhà để bố mẹ lấy thuốc nam chữa trị và tôi bỏ học giữa chừng.

Vào Năm 1970, Khu Tự trị Tây Bắc đến tuyển sinh đi học tại trường đào tạo cán bộ dân tộc ít người khu Tự trị Tây Bắc, tôi chính thức thoát ly và tạm biệt bản Chà May thân thương cho đến bây giờ. Trên con đường mòn, leo đèo lội suối gần 50 Km từ Chà May tới huyện lỵ Thuận Châu, Thào Xuân Sùng đã cuốc bộ suốt 36 năm trong hơn 40 năm học tập và hoạt đọng cách mạng, con đường in đậm biết bao kỷ niệm êm đềm và hun đúc nên ý chí sắt đá, nghị lực bền bỉ cho nhiều người vươn lên thành cán bộ tốt của Đảng ta. Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ câu chuyện mẹ vừa khóc vừa kể về hành động của Thực dân chặt phá hết sạch nương ngô và bắt sạch gia súc nhằm tiêu diệt hết cán bộ Việt Minh – Vệ quốc đoàn cùng đội du kích của bố tôi, gây ra cái chết thảm thê của hàng trăm ngơười dân và ba em trai của mẹ tôi; vẫn nhớ câu chuyện bố truyền cho tôi những lời cặn dặn của Bác Hồ, khi gặp Bác Hồ ở Tuyên Quang và ở Thuận Châu với tinh thần muốn làm cán bộ thì phải biết chữ, có biết chữ mới đánh thắng được cả giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt; nhớ mãi câu chuyện chín chú cán bộ ( 07 chú người Kinh, 02 chú người Tày) là Việt Minh – Vệ quốc đoàn được cụ Ké Hồ cử đi xây dựng cơ sở cách mạng ở vùng Tây Bắc và Bắc Lào khi đến Long Hẹ để hoạt động đã tự học tiếng Mông. Mặc trang phục như người Mông và thay tên đổi họ cho thành “Người Mông”v.v…Những câu chuyện có sức lôi cuốn mạnh mẽ, thôi thúc đối với tôi từ bé trong học tập và hoạt động xã hội với tấm lòng bao dung, độ lượng, nhân ái , yêu thương và sống rộng rãi với mọi người vì nghĩa lớn. Sau dần tôi hiểu ra rằng bà con các dân tộc vùng cao quê tôi thực sự đã làm khuyến học từ đấy, từ chính mảnh đất Long Hẹ không chỉ anh hùng trong đấu tranh giành cuộc sống độc lập – tự do – hạnh phúc mà đang vươn lên trở thành anh hùng trong đổi mới xây dựng đất nước.

http://khuyenhocyenbai.vn/images/AnhTinTuc/ts.jpg

( Ảnh: Hội thi cán bộ khuyến học giỏi tỉnh Sơn La lần thứ II)

Học tập và làm việc không dễ dàng bởi bao gồm có nhiều thành tố có mối quan hệ khăng khít với nhau mà thực tế trải nghiệm của tôi đã đúc kết phải có để thành công là: Tự giác, tự học, tự lập, tự chủ, tự vươn lên. Tôi nhớ vào học lớp một năm 1970 – 1971, có ba lớp 1 A, B, C với 64 bạn học, đến khi tốt nghiệp cấp I cả 3 lớp còn có 13 bạn học, đến khi tốt nghiệp cấp II còn 07 bạn học, đến dự thi đại học còn 03 bạn học và điều thú vị là cả ba người cùng một quê hương, đến dự thi vào làm nghiên cứu sinh chỉ có một người và tôi luôn mong muốn không có ai bỏ học cả. Hồi ấy, nói đến học và đi học xa nhà là nỗi sợ hãi của trẻ em các dân tộc ít người vùng núi cao, bởi thế nhiều bạn đã bỏ học và chốn học vì nhớ cha mẹ, nhớ nương rẫy, nhớ trâu, nhớ bò, nhớ suối, nhớ nỏ, nhớ cung, nhớ cảnh tự do phóng khoáng; vì sợ kỷ luật sinh hoạt và học tập, sợ học tiếng Việt và chữ Việt. Có thể nói, đối với chúng tôi hồi nhỏ việc học thật là khó khăn, vất vả và phải cố gắng vượt bậc ngay từ lớp vỡ lòng. Từ đầu vào học tôi được bầu làm cán bộ lớp và làm cán bộ Ban Chỉ huy Liên đội nên cô giáo Nguyễn Thị Mai Suối cùng các thầy cô giáo dành cho tôi sự giúp đỡ tận tình mà bản thân tôi rất cố gắng trong học tập, càng học và nói được tiếng Việt làm tôi vui lắm. Qua học tập dần dần tôi biết học để làm gì, chắt chiu ý chí rèn đức luyện tài cho tôi, nâng cánh ước mơ và nghị lực vươn lên cho tôi, xây đắp lòng yêu nước và niềm tin yêu đối với Đảng cho tôi, trang bị cho tôi động cơ và phương pahps học tập đúng đắn, giúp tôi cùng nhiều bạn bè từng bước trưởng thành. Tôi có hai người cha là bố và thầy giáo, có hai người mẹ là mẹ và cô giáo. Thầy giáo, cô giáo dạy ăn, dạy uống, dạy mắc màn ngủ hàng ngày và quanh năm với tấm lòng yêu thương hết mực đối với học trò. Hình ảnh Bác Hồ và Đảng quang vinh đã hiện hữu bằng chính các thầy giáo, cô giáo ở miền suôi lên đây dạy học cho học sinh các dân tộc ít người, đêm đến cho tuổi trẻ vùng núi cao niềm tin và tình cảm cách mạng, như bệ phóng đi tới tương lai và như nền tảng vững chắc tạo nên nhân cách cho một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, khoa học kỹ thuật sẽ làm nên những bước đột phá và bước phát triển của quê hương đất nước.

Ở trường các thầy giáo, cô giáo luôn bằng mọi cách tổ chức cho chúng tôi vui chơi giải trí: chơi các trò chơi dân gian, hoạt động thể dục thể thao, học múa hát, biểu diễn văn nghệ, xem chiếu bóng, lao động sản xuất, chăn nuôi gà lợn cải thiện…Bố tôi thì dành hai lần một năm xuống trường thăm động viên và bảo tôi rằng, ngày xưa bố không được đi học vì Thực dân Pháp thực hiện chính sách ngu dân, bố đã lập đội du kích cùng Bộ đội Cụ Hồ đánh đuổi Thực dân Pháp giải phóng quê hương, cho con được đi học, con phải học được chữ của Bác Hồ để đánh thắng giặc đói, giặc dốt ở quê hương ta.

Với sự chăm sóc động viên của bố mẹ, của thày giáo, cô giáo và bà con dân bản, tôi đã không bỏ học, đến 15 tuổi tôi nói được tiếng Việt và học tập ngày càng tiến bộ, càng hăng say học tập và càng học càng thấy nhiều điều mới lạ, hiểu đia lý và lịch sử hào hùng của đất nước Việt Nam, tôi kiên trì học tốt nghiệp cấp II và cấp III, tốt nghiệp Đại học và bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sỹ khoa học. Với chúng tôi một thanh niên vùng núi cao có trình độ đại học vào những năm 70 của thế kỷ XX là điều vô cùng quý hiếm, khó tìm và nó là thành tựu kỳ diệu của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh . Tôi là người may mắn được sớm tiếp cận với việc học tập, nghiên cứu lý luận Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh khi bản thân mới 21 tuổi, biết được con đường Bác Hồ đã đi và lịch sử vẻ vang của Đảng ta, nhất là được đọc cuốn sách “Cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh” và tôi hiểu tư tưởng của Người về học là phải học thường xuyên, học suốt đời . Bác Hồ nói: “Học hành là vô cùng, học càng nhiều, biết càng nhiều càng tốt ”; “Tôi năm nay 71 tuổi nhưng ngày nào tôi cũng phải học ”. Lời dạy của Bác Hồ đã thấm sâu vào trái tim tôi cho đến cả cuộc đời. Chính vì lẽ đó tôi đã và đang dành mọi lúc, mọi nơi để học tập, tự học tập từ khoa học xã hội nhân văn đến khoa học kinh tế – kỹ thuật, khoa học chính trị và quản lý đến khoa học tự nhiên, từ tiếng việt đến tiếng các dân tộc anh em và học những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, với các bộ giáo trình của các học viện và trường đại học ở nước ta. Được học tập bởi các thầy cô giáo “Vừa hồng vừa chuyên” và tu dưỡng rèn luyện phẩm chất chính trị đạo đức của các bậc cha chú đi trước, được đồng bào các dân tộc và bạn bè tin yêu giúp đỡ, tôi đã từng bước phấn đấu trưởng thành và từng bước thực hiện hoàn thành nhiệm vụ khi học tập trong nước cũng như học tập ở Liên Xô, khi làm chuyên viên cũng như lãnh đạo quản lý với mong muốn được cống hiến chọn đời, chọn vẹn cho quê hương Sơn La yêu dấu vì sự phát triển phồn vinh của đất nước ta.

 

Thưa đoàn chủ tịch,

Thưa các vị đại biểu khách quý,

Thưa toàn thể các đồng chí và các bạn,

Thực tế tôi nghiệm ra rằng, tuổi trẻ các dân tộc thiểu số có đủ phẩm chất, trí tuệ, tố chất cần thiết để học tập, nghiên cứu khoa học, chiếm lĩnh đỉnh cao của tri thức nếu có đủ điều kiện phương tiện, có môi trường thuận lợi, có đội ngũ thầy cô giáo đầy tâm huyết với cái tâm trong sáng và sự dìu dắt của những người lãnh đạo công tâm vì lợi ích của đất nước; nếu có được sự quan tâm phối hợp chăm sóc của gia đình, nhà trường và xã hội, mà trước hết là Khuyến học Khuyến tài. Có những điều đó chắc chắn tuổi trẻ sẽ gắn kết một cách lôgic và biện chứng sự trưởng thành về mặt tâm sinh lý với sự trưởng thành về mặt xã hội và chính trị, vượt qua những đặc điểm của tuổi trẻ như thiếu sự chín chắn và sống rất đa cảm, thiếu từng chải và kinh nghiệm sống, biến những phẩm chất tốt đẹp của tuổi trẻ các dân tộc thành sức mạnh của dân tộc và quê hương đất nước. Tôi đã được hưởng sự chăm sóc nghĩa tình đó và muốn chia sẻ với các vị đại biểu về lòng biết ơn của tôi với truyền thống hiếu học và phong trào khuyến học, khuyến tài của nhân dân các dân tộc tỉnh ta.

Từ sự nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của Hội Khuyến học và phong trào khuyến học, đối với sự nghiệp trăm năm trồng người của tỉnh Sơn La, tôi cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Hội khuyến học hoạt động và thường xuyên góp ý với đồng chí chủ tịch Hội, tham gia sinh hoạt chi hội khuyến học dòng họ tôi ở xã Long Hẹ và đã đưa nội dung Khuyến học vào quy ước “5 không, 5 có” để mọi người thực hiện. Dòng họ Thào của tôi được ghi nhận là dòng họ hiếu học tiêu biểu. Gia đình tôi ai cũng cố gắng học hành, tôi có 4 anh em ruột có trình độ đại học, tám con cháu đang học đại học và phổ thông, gia đình tôi đã được công nhận là gia đình hiếu học và coi được tham gia làm khuyến học là điều hạnh phúc. Nhờ có chủ trương khuyến học, khuyến tài của Đảng ta và truyền thống hiếu học được phát huy, trong gần hai thập niên qua tỉnh ta đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ dân tộc có đủ phẩm chất đạo đức và trình độ học vấn đảm nhiệm những nhiệm vụ do Đảng và nhân dân giao phó trên tất cả lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, quản lý. Có được một nguồn nhân lực có trình độ học vấn cao và tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của tỉnh là nhân tố quan trọng nhất trong quá trình thực hiện sự bình đẳng dân tộc và đoàn kết các dân tộc, xây dựng được sự hiểu biết và mối quan hệ giúp nhau giữa nhân dân các dân tộc trong quá trình phát triển. Với sự phát triển của ngành giáo dục và phong trào Khuyến học, khuyên tài, thành tựu có ý nghĩa lớn lao nhất hiện nay của tỉnh ta chính là Tiếng Việt và chữ quốc ngữ đã được phổ cập khắp mọi vùng, mọi dân tộc. Mỗi dân tộc, mỗi dòng họ đều tự hào khi có con em mình nói được Tiếng Việt, đọc được chữ quốc ngữ, biết chữ “Cụ Hồ” đang vươn lên học tiếng dân tộc và học ngoại ngữ đẻ mở rộng” thư viện trí thức” của mỗi người.

Với trách nhiệm là Bí thư tỉnh uỷ và là người rất ham đọc sách, luôn khiêm nhường và cầu thị, biết thân và biết phận, tôi rất mong muốn và tha thiết  kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sỹ, già, trẻ, trai, gái, mọi dân tộc, mọi dòng họ, hãy hưởng ứng mạnh mẽ phong trào khuyến học, khuyến tài; xây dựng xã hội học tập và gia đình, dòng họ ,bản, tiểu khu, dân phố hiếu học; đẩy mạnh  xây dựng các trung tâm học tập cộng đồng; tích cực xây dựng các quỹ khuyến học để hỗ trợ giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, khen thưởng học sinh có thành tích học tập ….tạo điệu kiện cho mọi trẻ em được đến trường học.

Các cấp uỷ, tổ chức đảng và  đảng viên tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 11- CT/TW ngày 13.4.2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập với mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2015 các cơ quan doanh nghiệp, bản, tiểu khu, tổ dân phố, dòng họ đều có tổ chức hội khuyến học. Xây dựng xã hội học tập, chấn hưng sự nghiệp giáo dục là nhiệm vụ quốc sách hàng đầu và phải chăm lo phát triển đi trước một bước của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Tôi tin tưởng rằng, cán bộ, hội viên và đồng bào các dân tộc tỉnh ta sẽ hưởng ứng mạnh mẽ nhiệm vụ rất quan trong này, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựngvà bảo vệ vững chắc tỉnh Sơn La trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Tôi mong các đồng chí trong Ban chấp hành Hội khuyến học tỉnh khoá mới, cán

bộ hội viên hội khuyến học các cấp hãy đoàn kết, năng động sáng tạo, phát huy những thành tích vừa qua, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến, đẩy  mạnh phòng trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, phấn đấu thành tích mới to lớn hơn nữa.

Trước khi dừng thư, tôi chúc đồng chí Chủ tịch Hội cùng toàn thể Ban Chấp hành Hội Khuyến học tỉnh và các vị đại biểu mạnh khoẻ, hạnh phúc; chúc cán bộ và hội viên hội khuyến học các cấp chân cứng đá mềm; chúc sự nghiệp khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập tỉnh ta lên tầm cao mới, đạt nhiều thành tích rực rỡ trong nhiệm kỳ 2011-2016; chúc Đại hội lần thứ ba Hội Khuyến học tỉnh Sơn La thành công tốt đẹp.

Gửi tới Đai hội lời chào chân trọng nhất./.