• Loading...
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
 
Từ những thành công của cải cách giáo dục ở Thụy Điển để suy nghĩ vận dụng vào đổi mới GD ở nước ta
Ngày xuất bản: 21/04/2016 3:00:58 SA

Thụy Điển là một nước ở Bắc Âu, Nhà nước thực hiện chế độ phúc lợi cho mọi công dân. Hệ thống kinh tế - xã hội cho phép mọi công dân được thực hiện quyền lợi khá đồng đều, đảm bảo hệ thống an sinh xã hội ổn định, giải quyết việc làm …

            Từ năm 1990 trở về trước, nền Giáo dục của Thụy Điển có tính chất tập trung nhất ở Phương Tây. Bắt đầu từ năm 1991 Bộ Giáo dục Thụy Điển đã thực hiện cuộc cải cách giáo dục từ mẫu giáo đến hết Trung học phổ thông theo chủ thuyết chỉ đạo: “Xây dựng hệ thống kiến thức kết hợp với chuẩn bị lực lượng lao động trong nền kinh tế toàn cầu”.

            Nội dung quan trọng nhất của cải cách hệ thống giáo dục là ban hành chính sách giáo dục “Phi tập trung và phân cấp”, còn gọi là “cách mạng về sự lựa chọn”.  Cụ thể là:

            - Phụ huynh và học sinh được quyền lựa chọn trường học theo nguyện vọng, đáp ứng được yêu cầu học tập và phát triển tốt nhất, với chi phí do Nhà nước đảm bảo ở mức trung bình của trường công.

            - Khuyến khích thành lập các “trường độc lập”. Mỗi cá nhân đều có quyền thành lập và điều hành một trường học và được thành phố (hoặc địa phương) cấp kinh phí theo mức giá trung bình ở trường công cho mỗi học sinh theo học. Các trường độc lập phải thực hiện chương trình quốc gia và không được phép đưa ra tiêu chí tuyển sinh theo kiểu “chọn táo chínmà phải tuyển theo theo nguyện vọng của học sinh và không được phép thu thêm bất kỳ khoản tiền nào khác.

            - Xây dựng một nền giáo dục phát triển toàn diện với nội dung chương trình kiến thức phổ thông và phổ cập, coi trọng giáo dục nhân cách và khả năng tiếp cận tri thức, tự học và sáng tạo.

            - Các bậc cha mẹ có thể lựa chọn và đề nghị chương trình học ưa thích cho con cái mình. Các nhà trường và giáo viên có trách nhiệm hướng dẫn học sinh tự học, tự đánh giá, nâng cao tinh thần tự chủ trong việc học và hầu hết các hoạt động giáo dục. Chương trình Quốc gia và tiêu chuẩn đánh giá học sinh có tính chất hướng dẫn nhiều hơn là áp đặt, có thể linh hoạt vận dụng.

  Cuộc cải cách giáo dục đã mang lại những kết quả to lớn:

            - Học sinh có năng lực tự lập kế hoạch học tập và tự chủ trong triển khai kế hoạch học tập, tự chủ hoàn toàn trong việc học của mình. Ngay từ mẫu giáo 4 tuổi ở trường mầm non, giáo viên đã khuyến khích trẻ nói lên những dự định thực hiện trong tuần. Cuối tuần trẻ tự đánh giá xem việc gì thực hiện được, việc gì chưa? Học sinh ở các lớp học cũng thường xuyên tự đánh giá qua các bản tự nhận xét. Đồng thời giáo viên và học sinh còn cùng thảo luận về quá trình và kết quả học tập của từng em. Cấp trung học phổ thông, ngoài việc tự lập kế hoạch học tập, tự đánh giá còn được tham gia xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá.

            - Mỗi giờ học, mỗi học sinh được triển khai bài học mà không phụ thuộc vào sách giáo khoa. Điều đó đòi hỏi các em phải chủ động nghiên cứu bài học trước và tìm cách thể hiện sự hiểu biết của mình bằng những phương pháp khác nhau, vận dụng khác nhau một cách sáng tạo, tìm cách hướng dẫn và thu hút sự chú ý của các bạn trong nhóm, trong lớp. Giáo viên cho phép học sinh được chủ động trong hầu hết các hoạt động. Giáo dục mẫu giáo và tiểu học tập trung vào rèn luyện kỹ năng giao tiếp xã hội, cách sống hòa hợp với cộng đồng và trách nhiệm của bản thân mỗi học sinh. Nhờ đó đã hình thành dần thói quen tự giác, dân chủ và biết sống “mình vì mọi người”, mỗi người chịu trách nhiệm chính về sự phát triển của bản thân mình. Học sinh ở cấp trung học phổ thông hình thành khả năng tự học, sáng tạo rõ nét và cao hơn.

            - Việc xác định quyền được lựa chọn trường học của phụ huynh và học sinh đã đòi hỏi nhà trường và các nhà giáo phải đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học, mở rộng dân chủ, tôn trọng học sinh… để giành được ưu thế tốt nhất về hiệu quả giáo dục; nếu không học sinh sẽ xin chuyển đi học các trường khác, sĩ số sẽ giảm hoặc không còn người học.

             Trước cải cách giáo dục, ở Thụy Điển có rất ít trường độc lập (trường tư nhân) và ít hơn 1% học sinh phổ thông theo học các trường này nhưng đến nay đã có khoảng 800 trường độc lập với khoảng 20% học sinh phổ thông theo học, ở cả cộng đồng bình dân và những người giàu.

            Cuối cùng là chất lượng giáo dục toàn diện của học sinh chuyển biến, tiến bộ vượt bậc. Theo đánh giá của tổ chức giáo dục quốc tế, giáo dục Thụy Điển nằm trong tốp 3 nước dẫn đầu thế giới.

            Từ kết quả cải cách giáo dục của Thụy điển cho phép chúng ta rút ra bài học về cuộc cải cách giáo dục ở mỗi nước phải được tiến hành như thế nào để có hiệu quả cao nhất. Cải cách Giáo dục không nên quá loay hoay vào việc xác định chương trình và sách giáo khoa với khối lượng kiến thức quá tải, quá nặng nề khiến nhà trường và học sinh không còn thời gian tổ chức các hoạt động phát triển nhân cách, phát triển trí tuệ, phát triển toàn diện. Kiến thức của loài người ngày nay cứ sau 7 năm thì lại tăng lên gấp đôi. Do đó, dù biên soạn chương trình nặng nề đến đâu thì nhà trường cũng không thể cung cấp đầy đủ tri thức cho người học, vẫn chỉ là một phần nhỏ tri thức đã có của nhân loại. Vì vậy cải cách giáo dục thực chất là cuộc cải cách phương pháp tiếp cận tri thức, dạy cho mỗi người cách tìm tri thức cần có ở đâu; năng lực tư duy và sáng tạo; khả năng vận dụng sáng tạo tri thức được học để tìm ra tri thức mới. Nghĩa là phải học tập suốt đời, không thể chỉ học một lần. Đồng thời nhất thiết phải ban hành được những chính sách về phát triển giáo dục theo hướng mở, dân chủ trong giáo dục, thu hút được đông đảo lực lượng xã hội tham gia…

            Đại hội Đảng XI khẳng định phải “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”. Muốn vậy, cuộc đổi mới giáo dục lần này trước hết phải đổi mới căn bản và toàn diện về tư duy giáo dục. Nhất thiết phải lấy việc xây dựng xã hội học tập, học tập thường xuyên, học tập suốt đời làm tư tưởng chiến lược và đột phá. Phải thay đổi  nhận thức từ đào tạo một lần để hành nghề suốt đời sang học tập suốt đời. Phải xây dựng hệ thống giáo dục gắn chặt việc dạy chữ với dạy người, giáo dục nhân cách và lý tưởng năng lực tự học và sáng tạo. Đồng thời xây dựng hệ thống giáo dục Đại học, chuyên nghiệp và dạy nghề có khả năng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của xã hội về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm.

 

  Nguyễn Đình Bưu

 

CTHKHThanh Hóa(Sưu tầm)