• Loading...
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Hội Khuyến học Việt Nam càn có các phong trào để “Xóa mù công nghệ”
Ngày xuất bản: 23/09/2016 3:54:09 SA

 “Ngày nay, tuyệt đại đa số người dân đã không còn mù chữ nhưng rất nhiều người chưa được trang bị các kĩ năng, kỹ thuật, công nghệ cần thiết để lao động hiệu quả hơn. Chúng ta cần đặc biệt chú ý công tác giáo dục người lớn, dạy nghề cho lao động ở nông thôn và cần có các phong trào để “xóa mù công nghệ” như “Bình dân học vụ” để xóa mù trước đây”.


Trên đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ V, do TƯ Hội Khuyến học Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội.

 

Phó thủ tưỡng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Đại hội Khuyến học VN lần thứ V

Mở đầu bài phát biểu, Phó Thủ tướng ghi nhận những nỗ lực, đóng góp to lớn của Hội, các thế hệ hội viên của Hội trong hoạt động khuyến học khuyến tài trong đổi mới giáo dục quốc dân, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Theo Phó Thủ tướng, hiếu học- điều căn bản để thực hiện đạo lý làm người là một trong những đức tính quý báu của dân tộc. Sau khi giành được độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 3 nhiệm vụ cấp bách phải được thực hiện ngay là chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm. Kể từ đó, các phong trào “Bình dân học vụ”, “Bổ túc văn hóa” và các phong trào khuyến học do Hội Khuyến học khởi xướng sau này đã góp phần đưa nước ta từ chỗ chỉ 6% dân số biết chữ năm 1945 tới chỉ còn 6% mù chữ vào năm 2009. Và tới nay, con số này chỉ còn khoảng 3,1%.

Bà Ngô Thị Chinh (thứ ba, từ trái qua phải - hàng trên) được bầu va BCH TW Hội khóa V (2016 - 2021)

Từ khi được thành lập, Hội Khuyến học Việt Nam luôn giữ vai trò nòng cốt của phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Phong trào này đã lan rộng, thấm sâu tới từng cơ sở, dòng họ, gia đình; tạo cơ hội học tập cho mọi người, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Trong nhiệm kì qua (từ 2010-20115), Hội Khuyến học Việt Nam đã có bước phát triển cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động. Hội đã được tổ chức tại tất cả các tỉnh, thành phố, quận huyện, gần 99% cá xã, phường, thị trấn. Số hội viên tăng gần gấp đôi và đạt trên 14,7 triệu người.

Các chi hội khuyến học đã có mặt ở các vùng xa xôi, hẻo lánh; tích cực, kiên trì vận động nhân dân tham gia học tập. Gần 99% số xã có trung tâm học tập cộng đồng. Người dân không chỉ học chữ mà còn được trang bị kiến thức từ luật pháp tới các kĩ năng, được học nghề để phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường, gần gũi và phát huy nhiều giá trị quý báu của hội.

Quỹ khuyến học đã cấp học bổng cho hàng triệu trẻ em nghèo; hàng chục vạn học sinh, sinh viên giỏi; hỗ trợ hàng nghìn giáo viên có hoàn cảnh khó khăn để yên tâm bám trường, bám lớp. Hội Khuyến học cũng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng đến năm 2020”. Qua 5 năm, số lượng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học đã tăng gấp 2 lần. Và còn rất nhiều hoạt động, nhiều đóng góp rất ý nghĩa của Hội Khuyến học đã được tiếp tục, được đẩy mạnh trong nhiệm kì vừa qua, góp phần quan trọng cùng ngành giáo dục nước nhà thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của BCH TƯ Đảng.

Ông cũng thay mặt Chính phủ, trân trọng ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những thành tích, những đóng góp quan trọng của Hội Khuyến học Việt Nam và những người làm công tác khuyến học, khuyến tài trong cả nước.

“Đất nước đang đứng trên yêu cầu phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Nguồn lực và cũng là lợi thế lớn nhất của chúng ta là con người. Vai trò, trách nhiệm của ngành giáo dục và đào tạo, của Hội Khuyến học là vô cùng quan trọng và ngày càng quan trọng để có thể phát huy nguồn lực, lợi thế ấy”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thủ tướng, ngày nay, tuyệt đại đa số người dân đã không còn mù chữ nhưng rất nhiều người chưa được trang bị các kĩ năng, kỹ thuật, công nghệ cần thiết để lao động hiệu quả hơn. Do đó, chúng ta cần đặc biệt chú ý công tác giáo dục người lớn, dạy nghề cho lao động ở nông thôn và cần có các phong trào để “xóa mù công nghệ” như phong trào “Bình dân học vụ” để xóa mù trước đây.

Chỉ đạo tại Đại hội, ông đề nghị Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH, các bộ ngành TƯ cùng các cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để Hội Khuyến học Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Mỹ Hà