• Loading...
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
 
Trung ương Hội Khuyến học tổng kết thí điểm Đề án 281
Ngày xuất bản: 02/05/2016 2:29:52 CH

Ngày 31/7/2015, tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Tổng kết thí điểm xây dựng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”.

alt

Đồng chí Nguyễn Văn Chúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu

và tặng hoa chúc mừng Hội nghị

Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên ủy viên Bộ Chính  trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam; Nguyễn Văn Chúc, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các Phó Chủ tịch Hội KHVN; Đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo; các thành viên Ban chỉ đạo Đề án 281; Chủ tịch, Phó Chủ tịch, đại diện lãnh đạo Hội Khuyến học 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam triển khai thí điểm từ năm 2014 theo Đề án 281 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”. Theo báo cáo của 42 tỉnh, thành, các mô hình thí điểm đã có trên 211.800 gia đình, hơn 6.300 dòng họ, 7.246 cộng đồng, trên 3.400 đơn vị, hơn 1.800 xã, phường, thị trấn và 380 quận, huyện, thị xã tham gia. Sau gần một năm triển khai, các mô hình đều đạt kết quả khả quan, hầu hết các tiêu chí đặt ra trong các mô hình đều đạt từ 60% trở lên, góp phần khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học, xây dựng xã hội học tập ở cơ sở.

alt

Toàn cảnh Hội nghị

Qua phát biểu của các đại biểu tại diễn đàn và thảo luận tại các Cụm thi đua khuyến học, có thể thấy công tác triển khai thí điểm tuy thời gian rất gấp, nhưng Hội Khuyến học các cấp đã khẩn trương, chủ động phối hợp với các ban ngành trên cơ sở Quyết định 89/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020” để tư vấn cho lãnh đạo tỉnh sớm phê duyệt kế hoạch triển khai QĐ 281.

Sở dĩ có được kết quả khả quan bước đầu là do có sự chỉ đạo, quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, ngành giáo dục đào tạo, đặc biệt việc xây dựng phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, khu dân cư là sự kế thừa của phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học do Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng và phát động đã thực hiện có kết quả hơn mười năm qua.

alt

GS-TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký TW Hội kết luận hội nghị

Theo các đại biểu, trong khi triển khai thực hiện mô hình thí điểm đã xuất hiện những khó khăn trong việc xây dựng dòng họ học tập ở một số tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên, vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, vì ở đó rất ít dòng họ mang huyết thống đồng tộc sống quần cư như vùng đồng bằng. Theo một số đại biểu, việc xây dựng bộ tiêu chí “Dòng họ học tập” cần có sự nghiên cứu đầy đủ, sâu sát hơn, dễ vận dụng và thực tế hơn thì mới có tác dụng tích cực. Các đại biểu cũng nhấn mạnh Đảng và Nhà nước cần có sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, kể cả cơ chế chính sách lẫn chế độ tài chính, nếu không thì không thể có xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Đặc biệt là vấn đề công nhận danh hiệu “học tập”, các đại biểu đều cho rằng Hội Khuyến học giữ vai trò nòng cốt xây dựng phong trào, phối hợp với các ban, ngành để đánh giá theo tiêu chí, việc công nhận, tôn vinh danh hiệu “học tập” phải thuộc về chính quyền, vì đây là danh hiệu của nhà nước, chứ không phải danh hiệu khuyến học. Bộ tiêu chí cũng không nhất thiết thống nhất cả nước mà nên đưa ra khung, từ đó các tỉnh cụ thể hóa cho từng vùng miền, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo ./.