• Loading...
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
 
Hội khuyến học tỉnh Yên Bái tích cực triển khai các mục tiêu
Ngày xuất bản: 23/06/2016 2:36:37 SA

 5 năm qua, các cấp hội khuyến học tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Khuyến học lần thứ II đề ra.

                                 

Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà (bên phải), Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái

phát biểu chỉ đạo và tặng bức cờ thêu cho Đại hội đại biểu Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái lần thứ III 

Công tác khuyến học, khuyến tài luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo; sự ủng hộ của các cấp, ngành và đông đảo nhân dân. Do đó, nhiệm vụ khuyến học đã đạt được nhiều kết quả nổi bật: 100% xã, phường, thị trấn thành lập được hội khuyến học (HKH); việc xây dựng xã hội học tập được chú trọng; phong trào xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học... đang có sức lan tỏa mạnh mẽ từ vùng thấp đến vùng cao.

Từ đó, đã góp phần quan trọng trong phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), nâng cao chất lượng GD&ĐT, chất lượng nguồn nhân lực. Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, từ tháng 5/2016, Báo Yên Bái mở chuyên trang "Vì một xã hội học tập" định kỳ vào thứ 3 tuần 1 tuần 3 hàng tháng. Trân trọng sự đón xem và góp ý của độc giả.

Phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh và Hội Khuyến học (HKH) Việt Nam, các cấp hội khuyến học tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Khuyến học lần thứ II đề ra; thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài (KHKT); các chủ trương nhiệm vụ của tỉnh để triển khai hiệu quả Đề án xây dựng xã hội học tập có hiệu quả tại địa phương, qua đó, đã thu được những kết quả đáng ghi nhận.  

Để thực hiện tốt công tác KHKT, công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác khuyến học được các cấp hội quan tâm thực hiện. Với trọng tâm là Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KHKT, xây dựng xã hội học tập"; Chỉ thị số 02/2008/CT-TTg ngày 08/01/2008 của Chính phủ về việc “Đẩy mạnh phong trào KHKT, xây dựng xã hội học tập”; Nghị quyết số 29 - NQ/TW8 (khóa XI) của Đảng ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo (GD&ĐT), Chỉ thị số 18 - CT/TU ngày 25/7/2008 của Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác khuyến học..."; Kế hoạch 97/KH-UBND ngày 14/8/2013 của UBND tỉnh thực hiện Đề án: “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”... 

Từ đó, giúp cho các ngành, các cấp và nhân dân nâng cao nhận thức về công tác KHKT; thấy rõ vai trò vị trí của công tác khuyến học, chức năng nhiệm vụ của HKH; khẳng định công tác KHKT là đòi hỏi thực tế, khách quan trong sự vận động và phát triển của xã hội; xác định công tác khuyến học góp phần thực hiện tốt mục tiêu, nâng cao chất lượng GD&ĐT và phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ mới.

HKH tỉnh đã tham mưu với Tỉnh ủy và phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị, từ đó tiếp tục thực hiện tốt hơn nội dung Chỉ thị của Đảng. Các cấp hội đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng làm tốt công tác thông tin tuyên truyền công tác KHKT, phản ánh rõ nét những kết quả, những tấm gương KHKT, đặc biệt là học sinh nghèo hiếu học, vượt lên số phận trên con đường tìm kiếm tri thức phục vụ cuộc sống, nhất là học sinh vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc.

Nhiệm kỳ qua, công tác xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức Hội được quan tâm cả về số lượng và chất lượng. Đến năm 2015, tất cả các huyện, thị, thành phố, 180 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã có HKH, với 2.678 chi hội, ban khuyến học, (tăng 31% so với đầu nhiệm kỳ). Với tổng số 132.249 hội viên, đạt tỷ lệ 16,9% dân số, (tăng 30,7% so với đầu nhiệm kỳ).

Cơ cấu, thành phần hội viên được mở rộng với nhiều thành phần là điều kiện thuận lợi để hội tổ chức các hoạt động trong từng tổ dân cư, thôn xóm, khu phố, dòng tộc trong việc phối hợp quản lý giáo dục học sinh. Cùng với phát triển hội viên, công tác cán bộ được tăng cường, do đó nhiều tổ chức hội đã làm tốt công tác tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền ban hành các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về công tác khuyến học; luôn đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự ủng hộ của MTTQ và các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội về khuyến học.

Sở GD&ĐT chỉ đạo các Phòng GD&ĐT, các trường học phối hợp với hội khuyến học các huyện, thị xã, thành phố và hội cơ sở, chi hội trường học triển khai chương trình phối hợp công tác liên ngành giữa Sở GD&ĐT với HKH và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh giai đoạn 2010 - 2015.

Qua đó, mạng lưới trường, lớp trên địa bàn tỉnh được sắp xếp, củng cố và phát triển ổn định theo tinh thần Nghị quyết 39/2008/HĐND của HĐND tỉnh và đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Các tổ chức khuyến học cơ sở đã tích cực vận động phụ huynh đưa trẻ mầm non đi nhà nhóm trẻ; học sinh các cấp học phổ thông ra lớp; học viên ra học các lớp xóa mù chữ, góp phần đảm bảo kế hoạch số lượng hoàn thành nhiệm vụ mỗi năm học của ngành GD&ĐT; vận động các cơ quan, các tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ kinh phí giúp đỡ các nhà trường nhất là ở vùng cao... trong đó, đặc biệt là vận động các bậc phụ huynh chăm lo, tạo điều kiện cho con em học tập theo phương châm “ba đủ”, chống bỏ học.

Cụ thể, 5 năm qua các cấp hội đã vận động 2.040 lượt học sinh bỏ học  và có nguy cơ bỏ học ra lớp (năm học 2010 - 2011: 717 em; 2011 - 2012: 288 em; 2012 - 2013: 594 em; 2013 - 2014: 276 em; 2014 - 2015: 165 em). Tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về phổ cập giáo dục, mà trọng tâm là phổ cập giáo dục trẻ mầm non 5 tuổi; tham gia xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” với những việc làm cụ thể như: xây dựng môi trường giáo dục, tạo đồng thuận với những chủ trương đổi mới của ngành giáo dục, thăm hỏi, động viên, giữ gìn uy tín, danh dự, tôn vinh nhà giáo... 

Công tác thi đua khen thưởng, động viên, tặng quà, trao học bổng được các cấp HKH thực hiện thường xuyên. Từ năm 2010 đến 2015, các cấp hội toàn tỉnh đã khen thưởng cho 18.504 học sinh có thành tích xuất sắc, học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, quốc tế, thủ khoa trường đại học, đỗ đại học, cao đẳng ở vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn; trao học bổng cho 28.850 lượt học sinh có hoàn cảnh khó khăn và học sinh thuộc diện gia đình chính sách; trao quà cho gần 8.500 lượt giáo viên góp phần động viên Phong trào thi đua “Dạy tốt”; tặng hàng trăm xe đạp đi học cho học sinh mồ côi cha mẹ, hàng ngàn cuốn vở, hàng chục tấn gạo và nhiều đồ dùng học tập, nhiều đồ dùng sinh hoạt phục vụ đời sống cho học sinh vùng cao. Ngoài ra, một số học sinh còn được Trung ương HKH Việt Nam giới thiệu mổ tim nhân đạo, mổ thẩm mỹ khe hở môi miễn phí đem lại nụ cười cho các em.

HKH các cấp còn thường xuyên phối hợp cùng ngành giáo dục xây dựng và củng cố trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ). Đến năm 2015, 100% xã, phường, thị trấn đã có TTHTCĐ. Qua đó, các TTHTCĐ đã tổ chức cho hàng nghìn lượt người tham gia các lớp học tập chính sách, pháp luật, ứng dụng tin học và sử dụng Internet cộng đồng... góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Kết quả nổi bật của HKH các cấp nhiệm kỳ qua là việc đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học (nay là gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập). Đến năm 2014, toàn tỉnh đã có 15.915 gia đình đạt gia đình hiếu học, đạt 7,9% số hộ gia đình của tỉnh. Đã có 564 gia đình hiếu học tiêu biểu được UBND cấp huyện, thị, thành phố khen thưởng, 202 gia đình được Trung ương HKH và UBND tỉnh tặng bằng khen.

Trong đó, có 5 gia đình được dự Đại hội Gia đình hiếu học toàn quốc và được gặp Chủ tịch nước. Cùng với đó đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 350 dòng họ hiếu học, trong đó 63 dòng họ tiểu biểu được UBND cấp huyện, thị, thành phố khen thưởng; 11 dòng họ tiêu biểu được Trung ương HKH và UBND tỉnh tặng bằng khen; 196 cộng đồng đạt cộng đồng khuyến học được công nhận.

Dưới sự chỉ đạo của HKH, công tác xây dựng quỹ khuyến học được quan tâm đã góp phần thúc đẩy phong trào khuyến học, góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT ở địa phương. Qua nhiều hình thức xây dựng quỹ, trong 5 năm qua các quỹ khuyến học đã nhận được sự đóng góp ước đạt trên 34,75 tỷ đồng, trong đó, quỹ cấp tỉnh, huyện là 5 tỷ đồng; cấp xã, phường, thị trấn là 4,5 tỷ đồng; cấp chi hội thôn, khu phố, cơ quan, trường học là 25,25 tỷ đồng.

Quỹ các cấp Hội hằng năm dành trên 95% để trao học bổng giúp đỡ học sinh con hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, con em gia đình chính sách, học sinh mồ côi và khen thưởng học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập, thăm hỏi động viên các nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn, giáo viên giỏi, có thành tích xuất sắc... Việc sử dụng quỹ đảm bảo đúng quy định của Điều lệ, các quy định của Nhà nước đã góp phần tích cực đẩy mạnh và phát triển sự nghiệp GD&ĐT ở địa phương và cơ sở.

Bên cạnh đó, các cấp HKH đã quán triệt, triển khai nghiêm túc các quyết định, kế hoạch của Chính phủ, UBND tỉnh về Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020. Đồng thời, tham gia tư vấn, giám sát, phản biện xã hội, gắn kết với các phong trào thi đua yêu nước, góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế, xã hội của địa phương.

Từ  thi đua yêu nước, mỗi năm có trên 30% số HKH cơ sở xã, phường, thị trấn đạt danh hiệu đơn vị xuất sắc toàn diện; 45% số hội cơ sở đạt danh hiệu xuất sắc từng mặt công tác. Nhiều tập thể, cá nhân được Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, Trung ương HKH Việt Nam tặng bằng khen, cờ thi đua; được HKH tỉnh, UBND các huyện, thị, thành phố tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác. Trong đó, HKH tỉnh được UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc năm 2014.

Chỉ tiêu Đại hội đại biểu Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái
lần thứ III, nhiệm kỳ 2015 - 2020

- 100% khu dân cư, 100% đơn vị giáo dục, 90% cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, 80% dòng họ xây dựng được tổ chức khuyến học; 40% tổ chức hội xếp loại tốt, 35% tổ chức hội xếp loại khá, không có tổ chức hội xếp loại yếu kém. 20% trung tâm học tập cộng đồng xếp loại tốt, 35% trung tâm học tập cộng đồng xếp loại khá, không có loại yếu kém.

- Tỷ lệ phát triển hội viên chiếm từ 20% dân số trở lên.

- 70% gia đình đạt gia đình học tập (50% đối với vùng cao, vùng sâu, vùng xa).

- 60% dòng họ đạt dòng họ học tập (50% đối với vùng cao, vùng sâu, vùng xa).

- 70% cơ quan, đơn vị đạt đơn vị học tập.

- 70% cộng đồng thôn bản, khu phố đạt cộng đồng học tập (50% đối với vùng cao, vùng sâu, vùng xa).

- 50% xã, phường, thị trấn đạt “cộng đồng học tập” cấp xã (40% đối với vùng cao, vùng sâu, vùng xa).

- Hàng năm, có ít nhất 5.000 học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, con gia đình chính sách, mồ côi, khuyết tật được hỗ trợ giáo dục. 100% học sinh giỏi, giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên được các cấp hội vinh danh, khen thưởng.

- 30% cán bộ, công chức, viên chức đạt trình độ ngoại ngữ bậc 2; 20% cán bộ, công chức, viên chức đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3.

- 70% cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng đồng bào dân tộc biết tiếng dân tộc, có thể giao tiếp thông thường.

- 90% cán bộ, công chức, viên chức tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm.

- 100% cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý các cấp tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo quy định.

- 60% lao động nông thôn tham gia học tập, cập nhật kiến thức, đào tạo nghề lao động phù hợp…

Nguyễn Đình