• Loading...
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
 
Khuyến học bảo tồn văn hóa người Dao Yên Bái
Ngày xuất bản: 21/12/2022 3:54:00 CH

 Xuất phát từ thực tiễn tại Yên Bái chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào về việc dạy, học chữ Nôm Dao. Trong khi đó, người Dao Yên Bái lại hiếu học, ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã có các lớp dạy học tự phát chữ Nôm Dao với quy mô nhỏ. Tuy nhiên việc học chưa có tài liệu biên soạn một cách khoa học và chưa có phương pháp truyền thụ kiến thức nên hiệu quả chưa cao. Vì vậy, Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái đã đề xuất Đề tài Khoa học cấp tỉnh với nội dung “Nghiên cứu biên soạn tài liệu, xây dựng chương trình dạy và học chữ Nôm Dao phù hợp với bản sắc người Dao tỉnh Yên Bái”. Qua 2 năm triển khai, Đề tài đã góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết, khơi dậy tình yêu văn hoá dân tộc của cộng đồng người Dao Yên Bái.

Cùng với các tài liệu quý hiếm có được ở cộng đồng người Dao Yên Bái và các tài liệu sưu tầm được sau 2 chuyến công tác đến tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Lào Cai, Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái đã thành lập Ban Chủ nhiệm Đề tài "Nghiên cứu biên soạn tài liệu, xây dựng chương trình dạy và học chữ Nôm Dao phù hợp với bản sắc người Dao tỉnh Yên Bái" và biên soạn được bộ tài liệu học chữ Nôm Dao căn bản. Bộ tài liệu gồm 3 quyển có độ dầy 341 trang cung cấp cho người học  những nét chữ Nôm Dao đầu tiên; quy tắc viết bút thuận trong Nôm Dao; hệ số đếm của người Dao từ số 0 đến 1 tỷ; 214 bộ thủ chữ Nôm Dao; học chữ viết và dịch và thuật Nôm Dao ra tiếng Dao với 3.500 từ vựng. Trên cơ sở bộ tài liệu xây dựng, Ban Chủ nhiệm đề tài cùng chính quyền một số địa phương có đông đồng bào dân tộc Dao sinh sống đã tuyển sinh được 5 lớp tại 5 địa phương gồm: xã Minh An, huyện Văn Chấn; xã Khai Trung, huyện Lục Yên; xã Đại Sơn, huyện Văn Yên; xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên; xã Tân Hương, huyện Yên Bình. Các lớp học đã thu hút gần 200 học viên tham gia. Anh Dương Phí Viên học viên theo học Lớp dạy chữ Nôm Dao xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên chia sẻ: "Lớp học chữ  Nôm Dao rất bổ ích, nội dung dạy thì rất gần gũi, bám sát thực tiễn với các chủ đề về cuộc sống con người, môi trường xung quanh, quan hệ xã hội, quê hương đất nước, phong tục tín ngưỡng, văn học nghệ thuật của người Dao, lịch sử ý thức tự cường dân tộc, tình yêu lãnh tụ Hồ Chí Minh. Tham gia lớp học một người trẻ chưa đầy 30 tuổi như tôi thấy thêm tự hào, thêm yêu tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Nhất đinh có điều kiện tôi sẽ giới thiệu với bạn bè của tôi ở các dân tộc khác những nét đặc sắc văn hóa Dao”. Còn đối với nghệ nhân người Dao Triệu Quý Tín ở xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên chia sẻ: “Việc duy trì được chữ Nôm Dao cũng đã giúp cho cộng đồng người Dao ghi chép được gia phả, tộc phả một cách rất hệ thống và đầy đủ. Thật đáng mừng là việc dạy chữ Nôm Dao hiện nay vẫn được coi trọng và được thế hệ trẻ quan tâm. Thế hệ trẻ học không chỉ đơn thuần để sau này tiến hành nghi Lễ Cấp sắc theo phong tục từ ngàn xưa của người Dao mà họ học còn để tiếp cận các giá trị văn hóa mà cha ông để lại. Với mục đích ấy, chắc chắn chữ Nôm Dao sẽ trường tồn, trở thành yếu tố quan trọng để khơi dậy sức sống nội sinh trong văn hóa dân tộc Dao. Đồng thời thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng người Dao.

Có thể thấy, Đề tài "Nghiên cứu biên soạn tài liệu, xây dựng chương trình dạy và học chữ Nôm Dao phù hợp với bản sắc người Dao tỉnh Yên Bái" có tính nhân văn và tính thực tiễn sâu rộng, góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy đắc sắc văn hóa dân tộc Dao Yên Bái. Đồng chí Triệu Tiến Thịnh - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, Chủ nhiệm Đề tài cho biết: "Khi triển khai thực hiện, Đề tài được lãnh đạo các địa phương, già làng, trưởng bản, đội ngũ các thầy dạy chữ Nôm Dao và cộng đồng người Dao rất đồng tỉnh ủng hộ. Đây là đề tài đầu tiên ở tỉnh Yên Bái nghiên cứu sâu, rộng về loại hình tiếng nói, chữ viết dân tộc Dao. Thông qua Đề tài, đồng bào người Dao được tiếp cận lịch sử, khoa học, giá trị văn hóa, bản sắc chữ viết, cách phiên âm chữ viết của dân tộc mình bằng việc đọc những cuốn sách cổ do cha ông để lại và giao thoa với văn hóa hiện đại. Đề tài vừa có ảnh hưởng rất lớn trong cộng đồng người Dao ở Yên Bái vừa tác động tích cực tới đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nhất là đội ngũ các giảng viên, học viên tại các địa phương có tên trong đề tài và một số tỉnh bạn".

Huyền Lê