• Loading...
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
 

Nâng cao nhận thức về khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
Ngày xuất bản: 02/05/2016 1:40:56 CH

Ngày 19/6, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT, Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Cựu Giáo chức và Hội Người Cao tuổi đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học khuyến tài, xây dựng Xã hội học tập giai đoạn 2013 - 2015.

Mục đích của chương trình phối hợp này là nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhà giáo và mọi tầng lớp nhân dân về khuyến học, khuyế tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập (XHHT) bằng nhiều hình thức. Các Hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Dòng nhọ hiếu học”, “Gia đình hiếu học” và “Cộng đồng khuyến học”.

Theo đó, Bộ GD-ĐT phối hợp các Hội biên soạn và phát hành các bản tin, tài liệu tuyên truyền về học tập suốt đời, xây dựng XHHT; phát động phong trào xây dựng “Đơn vị học tập” “Cộng đồng học tập” trong các đơn vị, các cơ sở giáo dục và các khu dân cư; nghiên cứu và tổ chức nhiều hình thức động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia học  tập suốt đời, chú trọng đến những nhóm đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

alt

Ông Nguyễn Mạnh Cầm Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại lễ ký kết

Bộ GD-ĐT và các Hội đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhà giáo, hội viên các Hội nắm vững chủ trương và các biện pháp triển khai khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Các Hội hỗ trợ ngành giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo trong các nhà trường, mở rộng nhiều hình thức học tập đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi tầng lớp nhân dân.

Các Hội mở rộng nhiều hình thức giám sát, phản biện, tư vấn về các chế độ chính sách phát triển giáo dục - đào tạo, đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; Vận động nhân dân hiến đất xây trường học đạt chuẩn. Tích cực huy động nguồn lực xã hội để tăng thêm các suất học bổng cho học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số và phần thưởng HS,SV xuất sắc… động viên hỗ trợ các nhà giáo dạy tốt, gương mẫu và gặp khó khăn trong cuộc sống; vận động học sinh không bỏ học, vượt khó học tốt tới trường; vận động các gia đình và dòng họ phấn đấu trở thành “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, động viên con cháu không bỏ học, không lưu ban, trở thành học sinh học khá giỏi, tư cách đạo đức tốt..

Bộ GD-ĐT phối hợp với các Hội hướng dẫn các địa phương đánh giá Trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ); tổ chức chỉ đạo điểm về xây dựng mô hình trung tâm HTCĐ kết hợp với trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã hoạt động có hiệu quả ở một số địa phương để rút kinh nghiệm mở rộng ra toàn quốc; phát triển các trung tâm giáo dục thường xuyên theo hướng mỗi huyện có một trung tâm thực hiện các nhiệm vụ: Giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và dạy nghề. Bên cạnh đó, xây dựng bộ chỉ số đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập của bộ, ngành, địa phương (bao gồm cấp tỉnh và cấp xã); phát huy vai trò nòng cốt trong hoạt động của “Ban chỉ đạo quốc gia xây dựng xã hội học tập” ở cấp TƯ và địa phương, góp phần thực hiện “Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”.

Các đơn vị phối hợp tổ chức lồng ghép Tuần lễ khuyến học và Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời vào Tháng Khuyến học (từ ngày 2/10 hàng năm); phối hợp tổ chức Tuần lễ toàn cầu hành động giáo dục cho mọi người vào tháng 4 hàng năm.

Cơ quan quản lý giáo dục các cấp phối hợp chặt chẽ với các cấp Hội thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp này và giúp các Hội phát huy vai trò nòng cốt trong cuộc vận động các lực lượng xã hội tham gia sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo.

alt

Ảnh: Các đơn vị Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Cựu Giáo chức và Hội Người Cao tuổi ký kết chuơng trình phối hợp hoạt động

Tại buổi ký kết, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm cho rằng: “Ký kết hợp tác này là việc làm cần thiết, kịp thời. Xây dựng Xã hội học tập và Học tập suốt đời cần gắn bó với nhau chặt chẽ bởi xây dựng Xã hội học tập ở Việt Nam hiện nay gặp nhiều khó khăn  do trình độ dân trí, học vấn, kinh tế, địa lý… không đồng đều nên triển khai  không thể nhanh chóng được mà phải có quá trình. Chúng ta cũng không thể học tập việc xây dựng xã hội học tập ở các nước khác được mà xây dựng xã hội học tập phải phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đối với các nước khác xây dựng XHHT là để đẩy mạnh tri thức còn ở Việt Nam xây dựng XHHT là để đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước. Do vậy, vấn đề này cần phải giáo dục và tuyên truyền rộng rãi để mọi người hiểu”.

Nhiệm vụ của Hội Khuyến học Việt Nam trong thời gian tới tiếp tục làm nòng cốt liên kết, phối hợp các tổ chức, các lực lượng xã hội đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo Chỉ thị 11 - CT/TW của Bộ Chính trị. Phối hợp với Bộ GD-ĐT nghiên cứu và tổ chức nhiều hình thức động viên, giúp đỡ mọi tầng lớp nhân dân tham gia học tập suốt đời, chú trọng đến những đối tượng đặc biệt khó khăn.

Hội Khuyến học sẽ chủ trì tổ chức, lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về học tập suốt đời, xây dựng XHHT thông qua hệ thống mạng lưới hội khuyến học các cấp, báo Khuyến học & Dân trí, báo Dân trí điện tử. Phối hợp tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời. Tuần lễ toàn cầu hành động giáo dục cho mọi người ở Trung ương và địa phương.

Hồng Hạnh

Khuyến học Việt Nam