• Loading...
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
 
Người có duyên viết về Bác Hồ
Ngày xuất bản: 22/05/2018 6:13:52 SA

  

Hình ảnh Nguyễn Ái Quốc (nguồn Internet)

Là người thuộc lớp hậu sinh nhưng hình ảnh cao đẹp của Bác Hồ đã in sâu trong trí óc và tâm hồn, tác giả Hoàng Việt Quân đã có khá nhiều tác phẩm viết về lãnh tụ được bạn đọc biết đến.

Năm 1970, trong đợt đi thực tế văn học tại Pắc Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng do Khoa Văn trường Đại học Sư phạm Việt Bắc tổ chức, còn là một sinh viên mà Hoàng Việt Quân đã ý thức sưu tầm, ghi chép lại những mẩu chuyện về quá trình hoạt động cách mạng của Bác Hồ tại đây. Những ghi chép này được Nhà xuất bản Phụ nữ xuất bản thành tập sách "Người ở nguồn" vào năm 1995 và sau đó đã vài lần tái bản. Có rất nhiều câu chuyện cảm động được những người dân miền sơn cước từng sống và tham gia hoạt động cách mạng cùng Bác kể lại. Đó là lúc Bác Hồ vượt qua cột mốc 108 trở về Tổ quốc thân yêu sau mấy chục năm xa cách, nhìn hoa bjoóc cà nở trắng triền núi mà cảm thấy tinh thần phấn chấn trước màu hoa tươi trẻ đầy sức sống. Ngay từ những ngày này, bài học về công tác dân vận đã được Bác vận dụng một cách triệt để: không làm phiền dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, vận động mọi người cùng làm cách mạng. Cuộc sống vật chất gian khổ mà vẫn làm thơ, dịch cuốn Lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô và viết cuốn "Kinh nghiệm Việt Minh ở Việt Bắc" làm tài liệu huấn luyện cho các chiến sĩ cách mạng. Rồi quan tâm đến việc ra tờ báo "Việt Nam độc lập", thành lập Đội võ trang tuyên truyền giải phóng quân, phát triển phong trào cách mạng rộng khắp để tiến tới Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945. Trong nhiều câu chuyện có câu chuyện thật đáng nhớ. Đó là một buổi tối tại Sum Đắc, một cụ già hỏi:

- Thưa Bác, quê Bác ở đâu ạ?

Bác trầm ngâm giây lát rồi xúc động trả lời:

- Quê tôi ở nước Việt Nam.

- Bác có mấy cháu rồi ạ?

- Tôi có hai mươi lăm triệu đồng bào.

Nghe nói mọi người đều nghẹn ngào, thương Bác quá. Cho đến mùa xuân năm 1961, trở lại Pác Bó sau hai mươi năm xa cách Bác vẫn nhớ như in từng gốc cây, hòn đá. Lời dặn "Sau này con đường từ đây về thị xã (Cao Bằng) trồng hoa đỏ để trở thành con đường đỏ" đã thành hiện thực là sự thành công của chủ nghĩa xã hội trên toàn đất nước.

Với vùng quê mình sinh ra và lớn lên, tác giả Hoàng Việt Quân cũng xác định phải viết được cái gì về Bác. Tác giả tâm sự: "Lắm lúc đọc sách báo, thư từ, văn thơ của Bác Hồ, thấy ở đâu đó bóng hình mảnh đất và con người Yên Bái - Lào Cai mà Bác quan tâm dành tình cảm đến. Lại có lúc, đọc các bài hồi ký cách mạng của các bậc lão thành cách mạng hoặc những bài hồi ức đầy ắp kỷ niệm của những người Yên Bái - Lào Cai có dịp được gặp Bác Hồ; có khi tự chính mình được nghe họ kể lại, trong lòng tôi cứ nôn nao nỗi nhớ thương Bác Hồ và mong ước làm sao biên soạn thành một tập sách nói về Bác Hồ với Yên Bái - Lào Cai và tình cảm của người Yên Bái - Lào Cai đối với Bác Hồ". Cuốn sách "Bác Hồ trong lòng người Yên Bái - Lào Cai" ra đời năm 2005 thể hiện tâm nguyện của tác giả. Tập sách đã ghi lại tình cảm của Bác Hồ đối với nhân dân Yên Bái - Lào Cai và sự kính trọng của đồng bào các dân tộc Yên Bái - Lào Cai đối với lãnh tụ. Cụ Ký Huyên, một nhà thơ đồng thời cũng là thân sĩ tỉnh lẻ không chịu tin vào luận điệu xuyên tạc của bọn phản động "Cụ Hồ bán nước cho Tây" khi Bác Hồ ký Hiệp định sơ bộ 6/3/1946. Ấn tượng sâu sắc nhất khi tham gia đoàn Đại biểu ở tỉnh Yên Bái về chào Cụ Hồ và Chính phủ ở thủ đô Hà Nội. Được thay mặt đoàn phát biểu, cụ Ký trịnh trọng đứng dậy, chắp hai tay "Bẩm cụ". Cụ Hồ liền đứng dậy, cử chỉ thân mật và nói: " Bây giờ dân chủ cộng hoà, xin cụ đừng bẩm như xưa. Dân vi quý". Lời nói của Cụ Hồ làm không khí thân mật, vui vẻ khắp phòng khách. Sự gần gũi giữa lãnh tụ với dân đã tạo nên niềm tin yêu để mọi người thi đua hưởng ứng lời kêu gọi của Người: "Diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm", xây dựng quỹ độc lập và tổ chức "Tuần lễ vàng""Toàn quốc kháng chiến". Các ông Đinh Công Thâm, dân tộc Mường, nguyên Đại Tá - Chỉ huy phó Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hoàng Liên Sơn; ông Hà Văn Nô - Dân tộc Tày ở xã Đồng Khê huyện Văn Chấn cùng hàng trăm thanh niên tham gia đi dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ cũng có nhiều kỷ niệm về những lần gặp Bác. Nhiều nhất vẫn là kỷ niệm về ngày Bác Hồ lên thăm hai tỉnh Yên Bái - Lào Cai. Ở Yên Bái "từ Xuân Lan, Bái Dương, Âu Lâu, Minh Tiến,…, bà con phải vượt sông nước cho kịp tới địa điểm tập trung theo quy định của ban tổ chức. Người từ khắp nơi đang đổ về, đội ngũ chỉnh tề, mang theo băng, cờ, khẩu hiệu, ảnh Hồ Chủ Tịch xếp thành hàng dài từ sân vận động đến Đầm Sen (nay là ngã ba Cao Lanh - Km2). Chưa bao giờ lòng dân lại náo nức đến thế". Bác Hồ nói chuyện gẫn gũi và thân thiết. "Lời của người không phải sấm trên cao, thấm từng tiếng vào lòng mong ước", thế nên có sức rung động mạnh mẽ đối với các thế hệ người Việt Nam. Ngày Bác mất là ngày cả nước bàng hoàng. Tỉnh uỷ Yên Bái - Lào Cai tổ chức lễ truy điệu và quyết định để tang 7 ngày. Nhiều địa phương biến đau thương thành hành động cách mạng tưởng nhớ như: xã Viễn Sơn trồng đồi quế Bác Hồ; xã Nậm Búng tổ chức lễ phát thẻ Đảng viên và đón đuốc Bác Hồ… Ông Bàn Văn Cát, dân tộc Dao quần trắng ở Yên Bình được gặp Bác hai lần, khi nghe tin Bác Hồ mất, ông nghẹn ngào khóc và tự mình xuôi về Hà Nội để viếng Bác. Ông Nguyễn Gia Tân bỏ công sức từ năm 1969 đến năm 1990 để biên khảo cuốn "Tiểu sử và đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch". Và còn nhiều những tấm gương như thế.

Yêu quý Bác, trong bài thơ " Người ở núi thương nhớ Bác Hồ" một lần nữa tác giả Hoàng Việt Quân viết:

Người ở núi thương Bác chỉ muốn khóc

Người ở núi nhớ Bác chỉ muốn làm

Người ở núi yêu Bác chỉ muốn hát

Và:

Người ở núi ghét nhất

Người nào không học theo Bác

Người nào không làm theo Bác

Coi như người bỏ đi

Phải chăng đây cũng là lời nhắc nhở mỗi chúng ta khi đang tiến hành cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

      T.Q