• Loading...
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
 
Sự tích chiếc khèn bè của người Thái Mường Lò- Nghĩa Lộ
Ngày xuất bản: 22/05/2018 6:49:06 SA

 Ngày xửa, ngày xưa, ở một bản nọ có một đôi trai gái cùng trang lứa từ nhỏ đã chơi với nhau rất thân. Lớn lên, đôi bạn trẻ vẫn ngày ngày quấn quýt bên nhau, khi cùng đi làm nương, khi cùng nhau ra suối. Những lúc rảnh rỗi, cô gái ngồi dệt vải bên khung cửi, chàng trai lại ở bên cạnh chuyện trò, bầu bạn. Mỗi khi có sợi tơ rối, chàng lại cầm cục sáp ong chà lên cho tơ hết rối để cô dệt vải. Cứ thế rồi họ yêu nhau khi nào không hay.

Ngày tháng trôi đi, tình yêu ngày càng thắm thiết, đôi bạn trẻ quyết định trở thành vợ chồng để được sống bên nhau mãi mãi. Nhưng ngặt một nỗi chàng trai thì quá nghèo trong khi cô gái vốn là con một gia đình giàu có nhất bản. Bởi vậy, khi chàng trai đánh tiếng muốn cưới nàng làm vợ đã gặp phải sự phản đối kịch liệt của cha mẹ nàng. Biết không thể lay chuyển được cha mẹ nàng, chàng trai quyết chí đi làm ăn xa, tìm cách kiếm tiền về cưới nàng làm vợ. Ngày chàng trai lên đường, hai người cùng nhau hẹn ước với nhau dù chàng có đi bao nhiêu năm nàng cũng sẽ đợi. Tiễn người yêu đi, nàng không biết lấy gì để tặng, tặng vải thì vải sẽ rách mà tặng bạc thì không có bạc, nàng bèn đem miếng sáp ong dùng dệt vải còn in dấu tay của mình tặng chàng.

 

Biểu diễn Khèn bè tại Tuần văn hóa -Du lịch Mường Lò 2017

Chàng trai ra đi trong túi chỉ có miếng sáp ong của người yêu và một con dao sắc lẹm. Chàng cứ thế băng rừng, vượt núi mà đi. Bỗng một ngày chàng gặp một con suối lớn. Nước lũ ầm ào từ đầu nguồn đổ về khiến chàng không qua được. Ngồi đợi nước rút bên bờ suối, chàng thấy nhớ người yêu cồn cào. Buồn quá, chàng lấy dao chặt lấy ống nứa tép bên suối, tỷ mẩn gọt tỉa rồi đưa lên miệng thổi thấy phát ra tiếng kêu “the the”. Thấy hay hay chàng chặt ống thứ 2 to hơn một chút, thổi lên lại nghe tiếng kêu “thò thò”, chặt ống thứ 3 nghe tiếng “thồ thồ”, ống thứ tư “phà phà”… cứ thế chàng trai chặt tới 12 ống nứa to nhỏ, dài ngắn khác nhau, mỗi ống có kích cỡ khác nhau lại phát ra âm thanh khác nhau nghe rất vui tai. Ngồi thổi một lúc chàng chợt nghĩ, nếu đem tất cả các ống nứa thổi lên một lúc thì âm thanh sẽ thế nào. Nghĩ thế chàng liền tìm cách ghép các ống nứa lại với nhau. Chàng tìm một ống nứa to, khoét thành một cái bầu để cắm tất cả các ống nứa vào, sau đó lấy đất trát kín lại, làm thành một chiếc khèn bè nhưng hễ thổi được vài hơi lại bị bung ra. Chợt nhớ tới miếng sáp ong của người yêu trong túi áo, chàng bèn đem ra trát vào bầu nứa. Chiếc khèn lúc này đã chắc chắc hơn nhưng thổi lên chàng vẫn có cảm giác thiếu thiếu một thứ gì đó. Suy nghĩ nghiền ngẫm một hồi chàng nhận ra âm thanh phát ra từ những ống nứa đều là âm thanh sóng đôi, tròn vẹn như những cặp đôi có vợ có chồng, có nhà có cửa, vậy thì hẳn cần phải có cặp đôi trẻ chưa vợ chưa chồng mới đủ. Nghĩ vậy, chàng trai bèn chặt thêm 2 ống nứa nhỏ gắn thêm vào. Quả nhiên thổi lên nghe hay hơn hẳn. Tiếng khèn của chàng lúc trầm bổng, khi sâu lắng, lúc lại ngân nga trong sáng như tiếng suối reo ghềnh đá, tiếng gió hát ngọn đồi. Thích thú với sản phẩm của mình, chàng trai đã đem theo chiếc khèn bên mình làm bầu bạn, chia ngọt, sẻ bùi và giúp chàng vượt qua khó khăn trên đường đi.

Vốn là người thông minh, hoạt bát, chàng trai đã nhanh chóng nghĩ ra cách kiếm tiền. Mỗi vùng đất mà chàng đặt chân tới, chàng luôn nhận thấy những thứ mà nơi đó cần, rồi tìm cách mua bán, trao đổi sản phẩm giữa các vùng với nhau. Chẳng mấy chốc mà chàng kiếm đủ tiền trở về dựng nhà làm cửa và cưới được nàng làm vợ. Một thời gian sau, hai người sinh được một cậu con trai kháu khỉnh. Một hôm người vợ đi vắng, chồng ở nhà trông con. Không hiểu sao thằng bé cứ khóc ngằn ngặt, dỗ thế nào cũng không được, chàng trai bèn đem chiếc khèn bè của mình ra thổi để dỗ con. Ai dè, âm thanh réo rắt, du dương của khèn khiến cậu bé thích thú nín bặt và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.

Ngày ấy, người Thái chưa có nhiều loại nhạc cụ như bây giờ. Trong những dịp lễ tết, cưới hỏi hay mừng nhà mới, người Thái cũng hát hò và cùng nhau múa xòe nhưng không có âm nhạc dẫn dắt. Một hôm, trong bản có gia đình tổ chức mừng nhà mới. Khi cơm rượu đã no say, người ta lại tổ chức hát múa. Vì muốn góp vui, chàng trai liền về nhà mang khèn đến thổi. Tiếng khèn của chàng khiến cả bản mường như tưng bừng, rộn rã hơn, điệu xòe như lôi cuốn uyển chuyển hơn. Kể từ đó, cuộc vui nào của bản mường cũng không thể thiếu tiếng khèn của chàng.

Lại nói đến cậu con trai của hai người từ nhỏ đã được nghe cha thổi khèn. Tiếng khèn đã nuôi cậu lớn lên trở thành chàng trai khôi ngô tuấn tú. Vì mê tiếng khèn của cha nên cậu quyết theo cha học khèn và thổi khèn rất giỏi. Nghe chuyện của cha mẹ, cậu biết cha nhờ có cây khèn mà lấy được mẹ. Nghĩ vậy nên khi đến tuổi biết yêu, cậu con trai đã đem khèn đi chọc sàn. Tiếng khèn của cậu khiến lòng người ngây ngất. Bởi vậy cậu nhanh chóng có được sự ưng thuận của gia đình người yêu, tìm được cho mình người bạn đời như ý. Trai tráng trong bản ngoài mường thấy vậy cũng muốn học theo và từ ấy, người ta đua nhau tìm cách làm và học thổi khèn bè.

Trải qua không gian và thời gian, cây khèn bè trở thành thứ không thể thiếu trong đời sống của người Thái Mường Lò. Đó là sản phẩm nghệ thuật kết tinh từ cả tâm hồn, trí tuệ và tình yêu đôi lứa; là khúc dạo đầu không thể thiếu cho các chàng trai, cô gái Thái thương nhau; là biểu tượng cho sự gắn kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh đoàn kết của những người con bản Thái. Những chiếc khèn bè đơn sơ, mộc mạc như linh hồn đưa đẩy những điệu xòe, điệu khắp, mang đến niềm vui ấm áp chan hòa, thể hiện giấc mơ về cuộc sống thanh bình, ước muốn ấm no hạnh phúc

Nguồn: Văn nghệ Yên Bái