• Loading...
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
 
Sách giáo khoa mới nội dung sẽ nhẹ nhàng hơn
Ngày xuất bản: 29/04/2016 1:45:14 SA

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Chúng ta đổi mới theo một lộ trình thích hợp, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm từng thời kỳ hướng đến một nền giáo dục toàn dân, giáo dục kỹ năng, năng lực phẩm chất người học.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Nền giáo dục sẽ được đổi mới theo ba hướng cơ bản. Chúng ta vẫn hay nói rằng đi học để làm người, nhưng khi quan tâm cụ thể con đi học về cha mẹ lại hỏi "hôm nay con được mấy điểm” chứ không hỏi rằng, hôm nay con có thể sẽ có thể làm được việc gì mới hơn hôm qua.

alt

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Chúng ta từng nói phải giáo dục toàn diện, đức, trí, thể, mỹ, nhưng đó mới nhằm đào tạo con người cho xã hội, còn một yếu tố thứ hai từ năm 1945 Bác Hồ đã nói, một nền giáo dục phải làm cho các em phát huy hết những tiềm năng sẵn có nghĩa là ai có năng lực riêng đều được phát huy cao độ.

Đổi mới tới đây sẽ chú ý rất nhiều đến khía cạnh này. Một chuyển hướng thứ hai, là một nền giáo dục mở, liên thông trong toàn hệ thống giáo dục, liên thông giữa giáo dục với hệ thống khác trong xã hội, xây dựng xã hội học tập, người dân được học tập suốt đời, tiếp cận với xu thế phát triển chung của thế giới. Hướng thứ ba, là ta sẽ chuyển trọng tâm chú ý phát triển hiệu quả và chất lượng trong khi vẫn quan tâm đầy đủ đến số lượng và cơ cấu trình độ đào tạo.

SGK sẽ "nhẹ nhàng” hơn

- Bắt đầu từ những việc đang làm và phải thiết kế một kế hoạch và chương trình thực hiện Nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT. Những việc đã làm tốt sẽ triển khai ngay và những gì cần chấn chỉnh khắc phục cũng chấn chỉnh ngay.

Ngay năm nay, Bộ GD&ĐT chủ trương có những bước đổi mới ban đầu về thi tốt nghiệp và xét công nhận tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH theo hướng tiếp cận phát triển năng lực và tổ chức người học. Đổi mới lần này đang tiếp cận đến những thay đổi toàn diện và khi đã có một chương trình giáo dục phổ thông mới, việc thi kiểm tra đánh giá sẽ thay đổi căn bản, toàn diện hơn.

Thứ trưởng có thể cho biết, SGK tới đây sẽ được viết theo hướng nào?

 - Sẽ nhẹ nhàng hơn về nội dung, cũng không phải bớt nhiều kiến thức đi đâu nhưng cách tiếp cận kiến thức khoa học để cho như thầy Đại nói, là học sinh có thể tự học được, và tự học được thì vui, thì tự trọng, giảm nhẹ được áp lực về mặt tinh thần chứ thực ra không giảm nhẹ về mặt yêu cầu. Yêu cầu về khoa học và sư phạm cân đối hơn.

- Đây là một hướng đổi mới rất quan trọng. Lâu nay, thành chính phụ là trong quá trình ứng xử trong dạy học chứ thực ra trong mục tiêu thì không có môn nào là chính, không có môn nào là phụ.Vậy có còn không những môn chính - phụ, nhất bên trọng nhất bên khinh như hiện nay?

Lần này khi đổi mới ta quy định là học hết trung học cơ sở 9 năm các em cơ bản đạt được các yêu cầu như nhau, trở thành người có thể sống được bình thường trong xã hội mới hội nhập quốc tế phát triển, còn khi lên THPT là nền giáo dục để các em tiếp cận nghề nghiệp phát huy năng lực - gọi là dạy học phân hóa theo định hướng của mỗi người. Lúc đó tất cả các môn đều chính cả, nhưng chính với người này có thể phụ với người khác…

Còn giáo dục kỹ năng sống sẽ được quan tâm ra sao và có được đưa vào SGK tới đây, thưa Thứ trưởng?

- Học sinh ta đúng là đang yếu về những kỹ năng xã hội, như năng lực thấu hiểu người khác, làm việc nhóm, giao tiếp, giải quyết vấn đề. Đó lại không phải vấn đề ngồi trên lớp là làm được mà phải thông qua hoạt động trải nghiệm, cần nhiều thời gian, cần cơ sở vật chất và những cách thức tổ chức dạy học khác nhau.

Chương trình sắp tới sẽ chuyển từ hình thức chủ yếu học trên lớp sang kết hợp học trên lớp với các hoạt động xã hội. Chương trình phổ thông sẽ thiết kế một mảng quan trọng mà lâu nay mình coi nhẹ

- là hoạt động ngoài giờ lên lớp, tới đây gọi là trải nghiệm sáng tạo, thông qua trải nghiệm mà phát triển năng lực học sinh hướng tới sáng tạo.

Cần có động lực cho giáo viên

Bộ GD&ĐT tiếp nhận những ý kiến đóng góp cho ngành, đặc biệt là cho khối sư phạm ra sao để toàn ngành đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện?

- Trên thế giới có nhiều học thuyết dạy học và ở Việt Nam cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng dạy học bao giờ cũng có những yếu tố kỹ thuật, từ đó thiết kế thành quy trình gọi là công nghệ. Kỹ thuật có thể cần ít sự sáng tạo của con người nhưng khi vận dụng vào quy trình rất cần sự sáng tạo của đội ngũ giáo viên.

Cần phải có những con người sáng tạo để đào tạo ra những con người sáng tạo đó. Bộ GD&ĐT đang tiếp thu nhiều kinh nghiệm và những mô hình khác nhau của cả Việt Nam và thế giới, không phổ biến một mô hình phương pháp duy nhất, khi dạy học, người giáo viên có thể vận dụng nhiều phương pháp khác nhau trong hoàn cảnh cụ thể.

Lớp mà học sinh giỏi nhiều thì vận dụng phương pháp khác một lớp mà nhiều học sinh yếu, hoặc có những em giỏi những em yếu thì phương pháp của thầy phải càng linh hoạt hơn nhiều.

Vào thời điểm này, đội ngũ giáo viên hiện nay theo đánh giá của Bộ đã ổn chưa, thưa Thứ trưởng?

- Về cơ bản, Bộ đánh giá đội ngũ giáo viên của mình đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên có nhiều yếu tố làm hạn chế năng lực đội ngũ giáo viên. GS Hồ Ngọc Đại nói đúng khi cho rằng cần thay đổi tận gốc phương pháp, chính các trường sư phạm phải tự đổi mới để có được đội ngũ giáo viên đổi mới.

Trước hết là thay đổi mục tiêu giáo dục sang phát triển phẩm chất năng lực người học, làm cho học sinh có khả năng tự học để học tập suốt đời, thì giáo viên phải có quá trình đào tạo lại, có động lực để họ tích cực tham gia vào đổi mới.

Đúng là cần có động lực để giáo viên tham gia vào đổi mới đáp ứng kỳ vọng của xã hội. Vậy lương giáo viên liệu có được tăng trong năm nay hay năm tới?

- Tôi không thể nói trước được lương có được tăng hay không, nhưng Nghị quyết đã khẳng định lương giáo viên phải là cao nhất trong hệ thống thang bảng lương. Điều này cũng đã được quy định tại Nghị quyết Trung ương 2 khóa 8 đến nay hơn 10 năm rồi vẫn chưa thực hiện được. Lần này, Nghị quyết khẳng định lại phải thực hiện điều đó, tất nhiên cần có quá trình và phù hợp với kinh tế đất nước. Mỗi người hãy tự đổi mới mình Cách thức đổi mới, lộ trình đổi mới đang được Bộ "thiết kế” ra sao, thưa Thứ trưởng? 

- Có hai giải pháp chính. Một là, những gì mới đã tốt thì triển khai ngay, như vừa rồi ta triển khai mô hình trường học thân thiện, học sinh tích cực, chương trình dạy tiếng Việt lớp 1 của GS. Hồ Ngọc Đại đã triển khai gần 40 tỉnh, thành, hay như kỳ thi THPT sắp tới học sinh được chọn môn mình ưa thích, thì đó là được hưởng ngay cái mới. Thứ hai là chương trình thiết kế khung sẽ đồng thời đổi mới ở cả ba cấp học…
Kỳ vọng của Thứ trưởng đối với Nghị quyết đổi mới căn bản toàn diện này?

- Sự nghiệp GD&ĐT là sự nghiệp lớn lao, phức tạp và khó khăn. Chúng ta đã có Nghị quyết của Đảng để định hướng, thu hút sự quan tâm và thống nhất được cách thức hành động của toàn xã hội đối với GD&ĐT, đây là sức mạnh lớn nhất. Đồng thời khi đất nước, xã hội phát triển sẽ tạo môi trường điều kiện cho giáo dục phát triển.

Trên hướng đi mới đã chọn đúng hướng, ta sẽ quản lý tốt cả những yếu tố đầu vào và đầu ra, làm tốt những việc tiếp theo chứ không có chuyện thí điểm để thành công hoặc thất bại.

Mỗi người phải tự đổi mới mình, phụ huynh cũng phải đổi mới và học sinh cũng thế. Khi tất cả cùng xác định động cơ đổi mới, nhà nhà cùng nhiệt tình với giáo dục, chúng ta sẽ đổi mới thành công sự nghiệp GD&ĐT.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!