• Loading...
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
 
Văn Chấn: Khuyến học, khuyến tài đi vào chiều sâu
Ngày xuất bản: 07/06/2017 1:40:52 SA

 Dù là huyện miền núi với 17 xã vùng đặc biệt khó khăn, nhưng những năm gần đây, hoạt động khuyến học, khuyến tài (KH-KT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) ở huyện Văn Chấn đã phát triển rộng khắp từ vùng thấp đến vùng cao.

 

Các bé Trường Mầm non Sơn Thịnh (Văn Chấn) trong giờ học nhận biết về các loại quả. (Ảnh: Minh Tư)

Những hoạt động này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, qua đó còn phục vụ đắc lực phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.

Về công tác KH-KT, xây dựng XHHT, ông Hà Văn Tý - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học huyện cho biết: “Hoạt động KH-KT, xây dựng XHHT luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, Hội Khuyến học tỉnh; sự phối hợp của Ủy ban MTTQ, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các ban, ngành đoàn thể, các tổ chức xã hội, các đơn vị trường học; sự giúp đỡ ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân các dân tộc trong huyện. Bên cạnh đó, các cơ sở hội và toàn thể hội viên luôn nỗ lực phấn đấu, do đó công tác KH-KT, xây dựng XHHT của huyện đã có nhiều khởi sắc, phát triển từ vùng thấp đến vùng cao, trong từng hộ gia đình, dòng họ, cộng đồng và cơ quan, đơn vị".

Kết quả công tác KH-KT, xây dựng XHHT ở Văn Chấn được thể hiện rõ ở công tác xây dựng tổ chức Hội. Do thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy và sự chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ nên Hội Khuyến học các cấp từ huyện đến xã, thị trấn thường xuyên được củng cố, kiện toàn, hoạt động có hiệu quả.

Đến nay, tổ chức Hội Khuyến học đã phát triển rộng khắp ở cả 31 xã, thị trấn trên địa bàn với 433 chi hội và 52 ban khuyến học, tổng số 34.255 hội viên. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ khuyến học ở cơ sở thường xuyên được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức và kiến thức; hội viên tích cực tham gia hoạt động hội, nhất là việc đóng góp xây dựng quỹ hội...

Đưa phong trào KH-KT, xây dựng XHHT lan tỏa và đi vào chiều sâu, Thường trực Hội Khuyến học huyện đã tích cực tham mưu, đề xuất với Huyện ủy, UBND huyện ban hành các văn bản nhằm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền đối với công tác KH-KT, xây dựng XHHT.

Với hoạt động chính là góp phần cùng ngành giáo dục, các nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục, Hội đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo các cơ sở giáo dục, các chi hội, các ban khuyến học kết hợp với MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể các xã, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động trẻ trong độ tuổi ra lớp, duy trì tỷ lệ chuyên cần; vận động cán bộ, công chức, viên chức trích một ngày lương ủng hộ Quỹ Khuyến học, tham mưu các chi bộ đỡ đầu các trường có học sinh bán trú. Do đó, năm học vừa qua, toàn huyện đã huy động được tổng số 33.846 cháu nhà trẻ, học sinh của các ngành học đến trường, đến lớp.

Bên cạnh đó, Hội đã làm tốt công tác là đầu mối cho việc ủng hộ xây dựng trường học, hỗ trợ, tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn... với tổng số nguồn xã hội hóa trong năm học 2016 gồm tiền mặt và hàng hóa trị giá trên 4,6 tỷ đồng. Từ nguồn tài trợ, đã trao 526 suất quà, trị giá 79.650.000 đồng cho học sinh; trao 170 suất học bổng “Vì em hiếu học” với tổng số tiền 170 triệu đồng cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Đồng thời Hội đã phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục huyện vận động mỗi đoàn viên công đoàn đỡ đầu từ 1 - 2 học sinh ở các xã đặc biệt khó khăn. Qua đó, đã có 964 nhà giáo nhận đỡ đầu 1.043 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với nhiều hình thức: tặng quà, hỗ trợ chi phí học tập hàng tháng, hỗ trợ các khoản đóng góp, phụ đạo học sinh không nhận tiền thù lao... với tổng số tiền trên 45 triệu đồng.

Với nguồn quỹ hội được hội viên đóng góp, Hội đã động viên khen thưởng 69 giáo viên và 202 học sinh giỏi đạt giải cao trong các kỳ thi, cuộc thi với tổng số tiền thưởng gần 120 triệu đồng...

Đề ra nhiều giải pháp thực hiện Kế hoạch 86/KH-UBND tỉnh về “Triển khai nhân rộng và đánh giá, công nhận các mô hình học tập giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh” mà phong trào học tập ở Văn Chấn phát triển rộng khắp. Không chỉ có những mô hình tiêu biểu như: Tiếng loa học đêm; Câu lạc bộ Thơ của Hội Người cao tuổi xã Sơn A; Câu lạc bộ Văn nghệ của Hội Người cao tuổi thôn Thác Vác, xã Đồng Khê; Câu lạc bộ Dưỡng sinh xã Sơn Thịnh... mà nhiều gia đình người Mông, người Dao, người Tày… ở Suối Giàng, An Lương, Sùng Đô, Nậm Lành, Nậm Mười, Suối Quyền... dù khó khăn nhưng vẫn dành dụm lương thực cho con em tới trường.

Hầu hết các hộ gia đình trong huyện đã chăm lo vật chất, tinh thần, tạo thuận lợi cho con em học tập qua việc chủ động mua sắm đầy đủ dụng cụ học tập, đầu tư thời gian cho con em học tốt hơn. Hơn thế, để làm gương cho con em, ông bà, cha mẹ, anh chị trong gia đình đều cố gắng theo học các lớp xóa mù chữ, bổ túc tiểu học và trung học cơ sở, nhiều bậc cha mẹ đã tự tìm hiểu kiến thức khoa học kỹ thuật, xây dựng trang trại, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi… đem lại lợi ích kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Đẩy mạnh xây dựng XHHT nhằm nâng cao kiến thức, nhất là kiến thức pháp luật và khoa học kỹ thuật cho người dân, riêng trong năm 2016, đã có 23.769 lượt người dân được học tập chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình; kiến thức khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống các tệ nạn xã hội, phổ cập giáo dục... tại 31 trung tâm học tập cộng đồng.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động KH-KT, xây dựng XHHT, ông Hà Văn Tý cho biết, Hội Khuyến học huyện tiếp tục tập trung tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện chỉ đạo của cấp trên về KH-KT, đặc biệt là Chỉ thị 05- CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 07/CT-HU, ngày 10/8/2016 của Huyện ủy Văn Chấn về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác KH-KT, xây dựng XHHT giai đoạn 2016 - 2020.

 

Nhờ làm tốt công tác KH-KT, xây dựng xã hội học tập con em đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Văn Chấn ngày càng được quan tâm, đầu tư cho học tập. Trong ảnh: Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Văn Chấn trao đổi bài. (Ảnh: Thanh Ba)

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh “Triển khai, nhân rộng và đánh giá, công nhận các mô hình học tập trên địa bàn huyện Văn Chấn giai đoạn 2016 - 2020”, phấn đấu tỷ lệ các mô hình học tập tăng 2,5% so với năm 2016; 10% số xã, thị trấn đạt “Cộng đồng học tập” cấp xã. Chú trọng công tác tập huấn, công tác tuyên truyền, vận động, chỉ đạo thực hiện, giám sát, kiểm tra, đánh giá, công nhận các mô hình học tập bảo đảm  chất lượng và hiệu quả.

Tiếp tục xây dựng, củng cố tổ chức hội và hội viên trong các cơ quan, doanh nghiệp, thôn bản, khu dân cư nhằm huy động nhiều đối tượng tham gia phong trào học tập suốt đời, xây dựng XHHT. Tăng cường phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban MTTQ và các ngành, đoàn thể của huyện, trong việc thực hiện Đề án xây dựng XHHT nhằm thúc đẩy phong trào giáo dục, phát triển các mô hình học tập có hiệu quả; quan tâm hơn nữa đến vùng đặc biệt khó khăn.

Các cấp hội tăng cường vận động, hỗ trợ ngành giáo dục và đào tạo, góp phần thực hiện Đề án “Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Văn Chấn, giai đoạn 2016-2020”, đặc biệt là việc vận động học sinh ra lớp, hạn chế tối đa học sinh bỏ học, hỗ trợ học sinh trường phổ thông bán trú, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, quan tâm, động viên công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh có năng khiếu, khen thưởng giáo viên, học sinh có thành tích xuất sắc.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động xây dựng quỹ KH-KT ở các cấp Hội để bảo đảm cho hoạt động trong năm. Thường xuyên củng cố trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, thị trấn, tham gia kế hoạch đào tạo lao động nông thôn bảo đảm nhu cầu “cần gì học nấy” của mọi người dân.

Đến hết năm 2016, toàn huyện Văn Chấn đã có 7.500 gia đình đạt danh hiệu Gia đình học tập; 53 dòng họ đạt danh hiệu Dòng học học tập; 60 cộng đồng đạt danh hiệu Cộng đồng học tập; 44 đơn vị đạt danh hiệu Đơn vị học tập.

 Nguyễn Đình