• Loading...
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
 
Đâu là "cơ hội" để con người bộc lộ cái xấu!
Ngày xuất bản: 29/04/2016 5:40:43 SA

Tiến sĩ tâm lý học tội phạm Chu Văn Đức (Đại học Luật Hà Nội) cho rằng xã hội đang có nhiều cái để con người ta bộc lộ cái xấu, không giúp người ta bộc lộ sự trung thực, đấu tranh vì công lý, lẽ phải. Thậm chí bây giờ người ta còn bảo nhau: “thật thà thẳng thắn thì thua thiệt”...

alt

Tiến sĩ Chu Văn Đức (Ảnh nhân vật cung cấp).

Phóng viên: Thống kê của Bộ Công an cho thấy nhiều năm gần đây, người vị thành niên, thanh niên trẻ (trên dưới 20 tuổi) vi phạm pháp luật hình sự ngày càng gia tăng, thậm chí đã tới mức báo động. Theo ông, những nguyên nhân nào đã dẫn tới thực trạng đáng lo ngại đó?

 

Tiến sĩ Chu Văn Đức: Có nhiều nguyên nhân lắm. Trước hết đó là độ tuổi dễ hình thành, nảy sinh hành vi gây hấn, bạo lực nhất. Độ tuổi này như các cụ ta vẫn nói là “khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”, tức là chưa khôn, chưa thấy hết được những cái lợi và cái hại khi thực hiện một hành vi nào đó. Chính vì thế mà hiện nay người trẻ gắn liền với những việc làm không cân nhắc hoặc ít cân nhắc tới lợi - hại nên khi họ phạm tội thường rất manh động, mạo hiểm, nguy hiểm và bất ngờ. Nghĩ là giết người kiếm được nhiều tiền là làm ngay, không cân nhắc nghĩ làm thế thì lợi gì, hại gì, hầu như không cân nhắc kỹ.

Nhưng đó là đặc điểm chung của giới trẻ trên thế giới chứ không phải chỉ riêng ở Việt Nam. Tuy nhiên ở nước chúng ta thì kỹ năng ứng xử của con người hầu như lại yếu trong những tình huống như vậy. Ví dụ như bạn thấy đấy rất nhiều vụ án chỉ xuất phát từ việc nhìn đểu là ghét, đâm, đánh nhau ngay. Thậm chí nói một câu, chào hỏi một câu không tử tế cũng đã có thể lao vào đâm, đánh nhau rồi. Kỹ năng ứng xử, tính kiềm chế của giới trẻ ở chúng ta chưa được rèn luyện, giáo dục tốt.

Trong môn tâm lý học tội phạm người ta nói rằng ai cũng có mặt tốt, mặt xấu, không có ai là hoàn thiện cả. Mặt xấu, mặt tốt được bộc lộ ra như thế nào phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh và tình huống. Vậy hoàn cảnh hiện nay có khuyến khích bộc lộ mặt tốt không? Hầu như không khuyến khích cái đó, mà nó lại khuyến khích người ta bộc lộ mặt xấu nhiều hơn. Đi ra ngoài đường mọi người đều giải quyết, ứng xử theo suy nghĩ của mình mà không tính tới chuẩn mực chung. Đi trên đường ai thích rẽ chỗ nào là rẽ, đi chỗ nào là đi, việc của tôi là tôi làm, ứng xử theo ý muốn chủ quan của mình mà lẽ ra phải tôn trọng những giá trị chung.

Trong gia đình lẽ ra bố mẹ bố mẹ phải làm gương con cái, nhưng bố mẹ có giáo dục con cái được không khi mà bố thì bảo uống rượu bia là xấu nhưng mỗi bữa cơm vẫn uống tì tì trước mặt con. Nếu đứa trẻ đi chơi với bố mẹ mà chúng thấy bố mẹ cho tiền người nghèo thì sau này chúng cũng sẽ cho tiền người nghèo như một cách chia sẻ. Rộng hơn trên bình diện xã hội cũng thế, quan chức, chính quyền thì nói một đằng nhưng nhiều khi lại không làm như vậy.

Xã hội đang có nhiều cái để con người ta bộc lộ cái xấu, không giúp người ta bộc lộ sự trung thực, đấu tranh vì công lý, lẽ phải. Thậm chí bây giờ người ta còn bảo nhau là “thật thà thẳng thắn thì thua thiệt”. Người ta hay đề cao chữ “biến”, “tùy cơ ứng biến”, chuẩn mực của anh thế này nhưng phải “ứng biến” đi.

Tôi phải nói rõ rằng trong xã hội nào cũng vậy, nếu không kiểm soát được cái xấu, khuyến khích cái tốt phát triển thì cái xấu sẽ phát triển mạnh.

Như ông nói thì những bài học, sự rèn luyện, học tập trên lớp học, giảng đường đại học hoặc trong môi trường gia đình hiện nay chưa giúp người trẻ - những công dân tương lai của đất nước - có những kiến thức cần thiết và kỹ năng ứng xử trước những va đập trong cuộc sống?

Nhà trường cũng có nhiều môn học đấy, cũng giáo dục về cái đẹp, cái thiện đấy nhưng vấn đề ở chỗ chúng ta toàn nói một đằng, làm một nẻo. Thầy cô, bố mẹ, anh chị em nói một đằng nhưng thực tế có làm như vậy không? Chúng ta cứ bảo các em phải vứt rác vào thùng rác chẳng hạn, nhưng ở chỗ nào cũng thấy vứt rác, rác vứt khắp nơi. Trẻ em ở trong giai đoạn hình thành nhân cách luôn học theo hành vi của bố mẹ chúng và những người xung quanh.

 

Khi hai nghi phạm trong vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước bị bắt, ai nấy đều bàng hoàng kinh ngạc, không thể tin những cậu thanh niên hàng ngày họ vẫn nghĩ rất hiền lành lại phạm một tội ác tày trời như vậy.

Nhìn vào vụ thảm sát 6 người trong một gia đình ở Bình Phước vừa rồi và nhiều vụ án mạng ghê rợn khác, theo ông ngoài ảnh hưởng bởi những những màn đâm chém trên phim ảnh, game bạo lực đang bị buông lỏng quản lý tràn lan ở các quán internet, thì những “sát thủ trẻ” còn bị ảnh hưởng từ những nguồn nào khác?

Họ bị ảnh hưởng tổng hợp. Tất cả những yếu tố tác động đến chúng ta, kể cả yếu tố vô thức mà chúng ta không biết thì nó vẫn tác động đến hành vi của chúng a. Thực tế đã chứng minh rồi, phim ảnh bạo lực tác động tốt xấu tùy từng người, nhưng có ảnh hưởng.  Nếu mọi người xung quanh không vứt rác thì đương nhiên bọn trẻ cũng không vứt rác. Đường mà đầy rác thì chúng sẽ nghĩ thả thêm cái rác cũng có sao đâu.

Cũng là người Việt Nam thiếu ý thức đó nhưng khi sang Mỹ hay các nước phát triển khác đã hành động rất nghiêm túc, tuân thủ pháp luật. Khi môi trường sống khuyến khích cái xấu không còn thì hành vi sẽ chấm dứt.

Hai nghi phạm gây ra vụ tàn sát 6 người ở Bình Phước từng được đánh giá là ngoan hiền. Nhiều người trẻ tuổi khác như Nguyễn Đức Nghĩa, Lê Văn Luyện,… cũng chỉ qua một đêm đã trở thành “sát thủ”. Ông lý giải điều này thế nào ?

Họ chưa làm gì ác thì hiền lành thôi, còn trong con người họ đã có mầm mống. Trên thế giới người ta có những nghiên cứu để chi ra rằng về mặt bẩm sinh, di truyền thực sự có những người máu lạnh, sát thủ máu lạnh, có biến đổi gen.

Ngày nay họ thừa nhận rằng sinh ra đã có những người có khả năng phạm tội cao hơn người khác, khi kết hợp với hoàn cảnh, tình huống thì phát sinh thôi. Nguyễn Đức Nghĩa, Lê Văn Luyện hay hung thủ sát hại cả gia đình 6 người ở Bình Phước thì rõ ràng người ta gọi là máu lạnh, thực hiện hành vi gây án dã man không run tay. Cũng có những người phụ nữ dám thả con mình xuống sông chẳng hạn, trong khi nhiều người nuôi con vật, nếu nó chết mới dám đem chôn, bởi với họ làm một điều không phải lẽ hoặc điều ác đã có thể trằn trọc nghĩ ngợi cả đêm, thậm chí cả đời rồi. Chúng ta chỉ bình đẳng trước pháp luật thôi, còn về mặt tự nhiên thì chúng ta không bình đẳng.

Với những nghiên cứu của mình, theo ông làm sao để hạn chế tội phạm hình sự trong giới trẻ hiện nay?

Theo suy nghĩ của tôi, trước hết phải thay đổi những ảnh hưởng lớn tới giới trẻ. Chính quyền, quan chức phải thay đổi cách nói và làm, nói và làm phải thống nhất với nhau; bố mẹ nói và làm cũng phải thống nhất để con cái nhìn vào noi theo. Tức là phải làm sao để trật tự xã hội, công lý được tôn trọng hơn. Nhiều người nói đến chuyện dân trí thấp, nhưng phải đặt ra việc chúng ta có tạo điều kiện cho dân trí cao lên không?

Hơn nữa, các gia đình phải tạo điều kiện cho con cái cọ sát, tiếp xúc nhiều hơn với cuộc sống, không nên bao bọc con cái quá. Như vụ ở Bình Phước, gia đình đó quá tốt, đã chiều cậu bạn trai của con gái họ quá mức. Một chàng thanh niên con nhà nghèo, gặp cô người yêu con nhà giàu đã được tạo điều kiện cho lái xe mấy tỷ, rồi đi du lịch khắp nơi, ăn uống ở nhà hàng sang trọng,… nên khi thiếu những thứ đó thì thấy thiếu hụt, hẫng hụt nên chuyện mất người yêu là đau khổ, buồn, tức giận, thù hằn này kia.

Xin cảm ơn ông!

 Thế Kha (thực hiện)

 

 

Chúng ta không thể nói trước tương lai, cũng không bao giờ chờ đợi những chuyện không may mắn, nhưng cuộc sống luôn là những bất ngờ nối tiếp nhau. Vì thế việc rèn luyện cho con cái những kỹ năng sống nhất là kỹ năng xử lý chuyện tình cảm là điều cha mẹ nên làm.

 

TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên khoa Tâm lý giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):Cách chia tay không thù hận?

1. Không nên quyết định chia tay quá đột ngột:Hãy có bước đệm để cả hai chuẩn bị tâm lý thích nghi dần với nỗi đau này. Nếu đối phương nài nỉ, nên giải thích rõ lý do rồi hẹn "tạm chia tay" để hai bên có thêm thời gian suy nghĩ kĩ, sau đó tìm cách khéo léo buông bỏ dần dần.

2. Không xúc phạm nhau:Một câu nói xúc phạm (của bạn hoặc của cha mẹ bạn đối với anh ta) cũng thổi bùng cơn giận trong lòng họ (dù họ xứng đáng với lời xúc phạm đó đi chăng nữa). Một bà mẹ đã đuổi anh chàng ra khỏi nhà và rất có thể đó là một phần lý do anh ta quay lại với nhiều nhát dao sát hại. Một que diêm có thể đốt cháy cả khu rừng, một lời xúc phạm sẽ đốt cháy nhiều thứ hơn ta tưởng. Hãy cố gắng dùng những lời lẽ kiềm chế nhất.

3. Không phủ nhận sạch trơn quá khứ: Không nên bảo "Quen anh tôi chẳng được gì!" hay "Thằng đào mỏ!", "Xem như mấy năm qua chưa hề tồn tại đi!", "Tôi không còn yêu anh nữa!"... Những câu ấy là con dao hai lưỡi, cứa vào tim anh ta và có thể sẽ quay ngược đâm lại chính mình.

4. Không nên khiêu khích cơn ghen tức:Khi mới chia tay, hạn chế thấp nhất khả năng anh ta biết mình có người yêu mới (dù điều này chẳng có gì sai cả). Hạn chế thể hiện tình cảm với người yêu mới ở những nơi mà anh ta dễ dàng nhìn thấy. Đó một phần cũng là lịch sự, cũng là tự bảo vệ mình.

5. Không phũ phàng để họ có cảm giác bị bỏ rơi:Hết tình thì còn nghĩa. Thỉnh thoảng nên gọi điện thoại thăm hỏi tình hình của người cũ (nếu họ không phản đối) để anh ấy không có cảm giác bị bạn bỏ rơi. Một cuộc gọi sẽ an ủi và hoá giải được nhiều cảm xúc của anh ấy hơn bạn tưởng. Tuy nhiên, chỉ quan tâm vừa phải để họ không hiểu lầm rằng ta muốn quay lại và nuôi hy vọng.

Ngoài ra, hãy nhờ người thân, bạn bè, những người xung quanh anh ấy chăm sóc an ủi động viên, để anh ấy nhận ra rằng, còn rất nhiều người khác quan tâm mình. Nói chung, bạn gái cần tùy người, tùy hoàn cảnh mà linh hoạt để nghĩ cách chia tay khéo léo nhất. Vì những vụ gần đây cho thấy, bạn gái thường là người phải hứng chịu hậu quả nặng nề.

Còn các chàng trai cũng cần phải nhớ: Cuộc đời là một con đường không bằng phẳng, không phải tình cảm lúc nào cũng như ý của mình. Nếu mảnh ghép đó không khớp với mình, thay vì trả thù bằng những đòn hèn hạ, hãy dũng cảm chấp nhận sự thật, đó mới là bản lĩnh đàn ông.

Ngoài ra, trên đời này không phải chỉ có một người để yêu. Người ta thường phải nhầm lẫn vài lần trước khi tìm ra được một nửa thật sự của mình. Đừng vì cơn ghen hay lòng thù hận mà đốt cháy người khác và thiêu cháy cả cuộc đời mình.

Thế nên: Yêu cũng cần phải học cách chia tay.