• Loading...
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
 
Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái và Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình trao đổi kinh nghiệm công tác
Ngày xuất bản: 23/05/2018 3:22:03 SA

 Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái và Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình trao đổi kinh nghiệm công tác

Trong hai ngày 18-19 tháng 4, Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái đã tổ chức cho cán bộ thường trực Hội Khuyến học các huyện, thị, thành phố đến tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm hoạt động với Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thanh Cầm Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình và đồng chí Ngô Thị Chinh Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái.

Điểm dừng chân đầu tiên, đoàn công tác tham quan mô hình xây dựng XHHT tại xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng (chiều ngay 18/4) chung vui ngày hội mổ heo tiết kiệm tại trường tiểu học Đông Xuân, tại đây đồng chí Chủ tịch UBND xã tặng nhà trường 500 con lợn nhựa để cổ vũ, nuôi dưỡng phong trào. Tại các trường học, đầu năm nhà trường ứng tiền mua lợn nhựa và thu lại khi khui lợn cuối năm. Với xã Đông Xuân, khuyến học thực sự nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương.

Đoàn đại biểu Hội Khuyến học Yên Bái và Thái Bình

Tìm hiểu công tác của Hội huyện: Hội Khuyến học huyện Đông Hưng đã tham mưu cho huyện ban hành 27 văn bản chỉ đạo về xây dựng XHHT, Hội đã ký kết chương trình phối hợp với 16 ban ngành, đoàn thể của huyện, đã in ấn 1500 pa nô tuyên truyền về XHHT trên địa bàn, UBND huyện đưa tiêu chí xây dựng XHHT vào tiêu chí thi đua của các xã, thị trấn; Quỹ khuyến học liên tục phát triển đạt trên 25 tỷ đồng.      

Tham quan, làm việc tại Văn phòng Tỉnh hội, Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình cho thấy: Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập với nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực, tập trung hướng về cơ sở, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội như phong trào “ 3 mạnh, 3 cần”; nhiểu năm duy trì phong trào “ Nâng bước em tới trường” của BCH Bộ đội Biên phòng; vận động xây dựng quỹ có phong trào “ Quỹ khuyến học gia đình” với hình thức nuôi heo tiết kiệm…Đội ngũ cán bộ khuyến học ở các cấp luôn tâm huyết, trách nhiệm, tổ chức hội được củng cố thường xuyên và phát triển vững mạnh. Qua đó góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục – đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên “Quê hương năm tấn” với truyền thống hiếu học từ lâu đời. Thái Bình được bình chọn là 1 trong 10 tỉnh đứng đầu về phong trào xây dựng xã hội học tập của cả nước. Tại các buổi làm việc, hai bên đã trao đổi một số kinh nghiệm như công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền về triển khai thực hiện Đề án 281 của Chính phủ và Thông tư 44 của Bộ Giáo dục – Đào tạo; xây dựng, củng cố tổ chức hội, phát triển hội viên; vận động xây dựng quỹ khuyến học ở cơ sở và trường học; chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng…

Đoàn công tác Hội Khuyến học Yên Bái làm việc tại trường TH xã Đông Xuân

Điểm mạnh, Khuyến học Thái Bình huy động được nhiều giáo sư, tiến sỹ tham gia biên soạn tài liệu cho Trung tâm Học tập cộng đồng (Thái Bình là đất học, trọng học, hiếu học và khoa bảng) có trên 150 tiến sỹ. Có thể nói cốt cách, đạo lý, truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng đã ảnh hưởng sâu sắc tới khuyến học. Bốn yếu tố tạo nên vị thế cho khuyến học đó là: KH, KT gắn với xóa đói, giảm nghèo và làm giàu của người dân; KH, KT gắn với học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; KH, KT gắn với sự nghiệp xây dựng văn hóa ở địa phương; KH, KT gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, nông thôn kiểu mẫu.

Trong công tác tham mưu: Trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước để tham mưu; chọn thời điểm để tham mưu, liên kết để tham mưu ( với GD, với Tuyên giáo, với MT, đoàn thể..) Từ năm 2002 đến nay, Mỗi TTHTCĐ được cấp 10 triệu đồng để hoạt động/năm; từ năm 2015 mỗi huyện, thị, thành phố được ngân sách NN cấp 200 triệu đồng/năm cho việc thực hiện Đề án xây dựng XHHT; Quỹ khuyến học hiện nay đạt 142 tỷ đồng/năm. Khuyến học “6 cùng” với Giáo dục: Cùng tham mưu, cùng triển khai, cùng chỉ đạo, cùng tháo gỡ, cùng tìm điều kiện, cùng kiểm tra đánh giá. Khuyến học chủ động liên kết với MTTQ và các đoàn thể của tỉnh, ký kết, triển khai, cùng kiểm tra đánh giá. Trong đó Hội giứ vai trò nòng cốt.

Trong công tác thi đua: có phong trào “Ba mạnh”; “Ba cần”:

“Ba mạnh”: mạnh về tổ chức, mạnh về cán bộ và mạnh về phong trào.

“Ba cần”: Cần tham mưu tốt; cần làm nòng cốt liên, kết tốt; cần tuyên truyền, dân vận khéo.

Qua tham quan và được nghe, được thấy Khuyến học Thái Bình đã đạt nhiều thành tựu quan trọng minh chứng những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước về khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập; Khuyến học Thái Bình nêu gương sáng, sinh động, có sức thuyết phục về nói đi đôi với làm, là địa phương đóng góp tích cực tạo ra vị thế, vai trò của khuyến học và Khuyến học Thái Bình một lần nữa truyền cảm hứng cho đội ngũ làm công tác này đến địa phương công tác.

Thay mặt đoàn công tác của Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái, đồng chí Ngô Thị Chinh – Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh đã đánh giá cao những kết quả mà Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình đã đạt được trong những năm qua và bày tỏ cảm ơn sâu sắc sự đón tiếp chu đáo và những tình cảm mà Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình dành cho đoàn. Đồng chí hy vọng sau đợt trao đổi học tập này mối quan hệ giữa Hội Khuyến học 2 tỉnh sẽ tiếp tục gắn kết, đặc biệt động viên thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng sâu rộng và có sức lan tỏa manh mẽ hơn. Chuyến tham quan học tập tại Thái Bình với thời gian ngắn ngủi nhưng để lại ấn tượng sâu sắc và thành công tốt đẹp./.

Đoàn công tác Hội Khuyến học Yên Bái làm việc với HKH xã Đông Xuân và huyện Đông Hưng

Đ/c Nguyễn Thanh Cầm và Đ/c Ngô Thị Chinh chung vui ngày Hội mổ heo đát trường TH Đông Xuân

Minh Trang