• Loading...
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
 
Tri thức và trí thức
Ngày xuất bản: 16/07/2021 1:56:00 CH

 

Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, 1992), “tri thức” có nghĩa là “những điều hiểu biết có hệ thống về sự vật, hiện tượng tự nhiên hoặc xã hội (nói khái quát)”. Còn “trí thức” lại là “người chuyên làm việc lao động trí óc và có tri thức chuyên môn cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của mình” (tr.1015).

Nghĩa của hai từ này phân biệt và rõ ràng như vậy. Thế nhưng không ít người lại nhầm lẫn giữa hai từ này. Chẳng hạn, “anh ấy là người có trí thức”, “giáo viên là thành phần tri thức của xã hội” là những cách dùng sai mà ta thường gặp. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự nhầm lẫn này?

Nguyên nhân chính là vì hai từ này vốn có cùng một nghĩa gốc. Cả hai đều là từ Việt gốc Hán. Trong đó, “tri” có nghĩa là “biết, hiểu, quen nhau”; “trí” có nghĩa “khôn, hiểu biết, trí tuệ”; “thức” (bộ ngôn) cũng có nghĩa là “biết, sự hiểu biết”.

Cả “tri thức” và “trí thức” đều là những từ ghép đẳng lập được tạo thành từ hai yếu tố có nghĩa tương đương. Ban đầu, chúng cùng một nghĩa gốc là chỉ “những điều hiểu biết, kiến thức nói chung”. Từ  “trí thức” vốn đồng nghĩa với từ “tri thức” và hầu hết các từ điển đều ghi nhận điều này.

Cả hai từ “tri thức” và “trí thức” vốn không có yếu tố nào chỉ người. Để chỉ “người có hiểu biết, có kiến thức”, trong tiếng Hán và tiếng Việt có nhiều từ như “trí giả”, “thức giả”, “học giả”,… Trong đó, “giả” là yếu tố chỉ người.

Khi đi vào tiếng Việt hiện đại, “tri thức” và “trí thức” trong quá trình hành chức đã có sự phân công về nghĩa. Cụ thể, “trí thức” dần chuyển nghĩa chỉ “người có tri thức”. Đặc biệt, trong tiếng Việt hiện nay, từ “trí thức” (nghĩa phái sinh) lại được dùng phổ biến hơn các từ “trí giả”, “thức giả”, “học giả” (nghĩa gốc). Đây cũng là một hiện tượng thú vị trong quá trình tiếp nhận, sáng tạo và sử dụng từ vay mượn gốc Hán của người Việt ta.

Văn Miếu Quốc tử giám (nguồn Internet)

Nhờ học mà tích lũy được tri thức

Giuyn Vecnơ viết: “Biết quan sát, tận dụng từng điều nhỏ nhặt quanh ta tất có ngày đắc dụng”. Có bà mẹ, nhà khá giả, muốn con hơn người, nhờ tìm Thày giỏi dạy cho con mình. Được giới thiệu đến Thày, chưa yên tâm, bà ấy hỏi lại: “Thế Thày của ông là ai, tôi muốn cho con tôi học người ấy cơ”… Cuối cùng được dẫn đến Khổng Tử, bà cũng hỏi vậy. Khổng Tử bảo: “Thày của ta là Hạng Thác, 7 tuổi, bên hàng xóm đó”. Ý nghĩa của việc học là vậy ! Nhờ học mà tích lũy được tri thức. Học ở mọi chỗ, học ở mọi người, ở mọi nơi, ở mọi lúc. Đi đến tổng kết thành các Qui luật, hình thành nên Qui tắc, xác định những Quy phạm. Nhưng điều mấu chốt là tạo trong não khả năng tư duy.

Tri thức là hiểu biết mà Nhân loại đã tích lũy liên tục trong lịch sử phát triển, cần được chia sẻ rộng rãi và các nền giáo dục cần có trách nhiệm phổ cập dần để nâng cao dân trí theo hướng Minh Sáng, Thông Huệ, Trí Hành. Nhưng Trí thức luôn là tầng lớp tinh hoa của nền dân trí đó, khẳng định mình trên tòa nhà của Tri thức cao.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng, một Nho sĩ, có tư tưởng: học cho có Đạo đức, học cho có hiểu biết, học để giỏi ứng dụng. Thật là hay. Sự học, từ thấp đến cao là : Biết -> Hiểu -> Hành -> Cải -> Đạo

Triết lý làm việc của Trí thức là : SỰ THẬT + PHẢN BIỆN + CÁCH TÂN

Phương pháp làm việc của Trí thức là : CƠ SỞ KHOA HỌC + KHẢO SÁT NGHIÊN CỨU + ĐỀ XUẤT HỌC PHÁP

Những phẩm chất giá trị của Trí thức là: CHÍNH HỌC + CHÍNH KHÍ + CHÍNH NHÂN ( Lưu ý : Chữ Chính – đúng đắn + chuẩn mực + ngay thẳng ! Đó là ngược nghĩa với chữ Tà )

 

Sưu tầm