• Loading...
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
 
Hội khuyến học lâu đời nhất Việt Nam
Ngày xuất bản: 29/04/2016 5:17:07 SA

alt

"Bắc Hà Hành Thiện - Hoan Diễn Quỳnh Đôi" được

dương cao trong lễ hội đầu năm ở Quỳnh Đôi

Làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An từ lâu đã nổi tiếng với truyền thống khoa bảng, là một trong những cái nôi Cách mạng. Có một điều thú vị đến bất ngờ mà ít ai biết: Ở đây có Hội khuyến học đã tồn tại hàng trăm năm với những nội dung rất tiến bộ.

Hội khuyến học ra đời từ thế kỷ XVII

Về làng Quỳnh Đôi chỉ nghe người dân nói về chuyện học hành thi cử. Nhà nghiên cứu Hồ Sỹ Bằng, nguyên Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, cho biết: "Đó là một làng khoa bảng, việc học đã thành phong trào từ cuối thế kỷ XV. Năm 1449 làng đã có người đậu tiến sĩ. Năm 1496, trong một khoa thi, Quỳnh Đôi có tới 4 người đậu. Từ đó, mỗi khoa thi hương, thi hội , thường có người đậu. Có nhà cả ba cha con đều đậu".

Tới Quỳnh Đôi, chúng tôi được nghe người làng đọc lại lời bình của các sĩ phu xưa: "Bắc Hà Hành Thiện- Hoan Diễn Quỳnh Đôi", hoặc "Nam Hành Thiện- Nghệ Quỳnh Đôi", để đối sánh hai ngôi làng (Quỳnh Đôi ở Nghệ An và Hành Thiện ở Nam Định) đều có nhiều người học hành đỗ đạt.

Tìm hiểu qua nhiều tài liệu, qua nhiều nhà nghiên cứu, chúng tôi được biết sở dĩ ngôi làng này có hội khuyến học từ thế kỷ XVII bởi nội dung này được người Quỳnh Đôi xây dựng trong khoán ước, điều lệ làng. Trong cuốn "Quỳnh Đôi hương biên" nói rằng: "Có ba khoán ước: Khoán hội, khoán phe và khoán làng. Trong đó khoán hội là của Văn hội xây dựng năm 1600, được bổ sung qua nhiều thời kỳ, đến năm 1852 đã có 47 điều khoản quy định hình thức tôn vinh và quyền lợi của các vị khoa bảng". Ông Hồ Đức Vấn, một nhà nghiên cứu lịch sử làng Quỳnh Đôi cho biết: "Văn hội còn được gọi là Hội Tư văn do các học sĩ đứng đầu. Hội Tư văn có đề ra 7 nhiệm vụ trong đó đề cao việc học hành là số 1". Ông Vấn cho biết, từ đầu thế kỷ XVII ai là con em của làng nếu đậu đạt đều được làng tổ chức đón rước trọng thể và người đó được coi như tấm gương sáng về đạo học để người người, nhà nhà noi theo. Ngoài ra Hội Tư văn còn đề ra nhiệm vụ của các vị khoa bảng, về thể thức hoạt động và đóng góp của các hội viên trong việc giáo dục truyền thống cho lớp lớp đi sau.

Trong cuốn “Quỳnh Đôi khoa danh trường biên” do Hồ Sĩ Tôn biên soạn có thống kê đầy đủ từ năm 1449 cho tới năm 1918 thời điểm chấm dứt thi cử nho giáo, thì số người đậu đạt của ngôi làng này lên tới 966 người trong đó có 514 tú tài, 204 cử nhân, 13 giải nguyên, 6 phó bảng và 12 tiến sĩ.

Nhà nghiên cứu Hồ Sĩ Bằng nói rằng Hương ước làng Quỳnh Đôi được xây dựng từ năm 1638, giáo dục khuyến học được coi là một trong 5 nội dung quan trọng được đề cập.

Ông Bằng cho chúng tôi xem bản thảo "Quỳnh Đôi hương biên" viết bằng chữ hán mà ông sưu tầm được. Đó là một bản thảo quý về ngôi làng cổ này. Ông Bằng cho hay đến những năm 1950 cuốn sách này được dịch giả Hồ Đức Linh dịch ra chữ Quốc ngữ có nhiều chi tiết rất tiến bộ.

Đọc cuốn "Về hương ước lệ làng"(NXB Chính Trị Quốc gia 1998) chúng tôi nhận thấy, cùng với hương ước nhiều làng như Mộ Trạch ở Hải Dương, Hương Đoan ở Hưng Yên, Ỷ La ở Hà Đông, có thể thấy qua hương ước Quỳnh Đôi, sự khuyến học khuyến tài được đề cao và ra đời vào loại sớm nhất Việt Nam.

alt

Nhà nghiên cứu Hồ Sĩ Bằng, nguyên Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh

 

Làng của người già

Bây giờ về Quỳnh Đôi, chẳng mấy người trẻ biết về Hội Tư văn của ông cha ngày trước. Nhưng về truyền thống hiếu học thì người làng vẫn giữ được vẹn nguyên. Quỹ khuyến học ngôi làng cổ này bây giờ hoạt động không có sự khác biệt nào so với hàng trăm hàng nghìn quỹ khuyến học khắp cả nước khác. Hội Khuyến học của làng hoạt động phần lớn nhờ quỹ khen thưởng do con em làm ăn xa gần đóng góp.

Mặc dù mức thưởng của Hội Khuyến học làng không nhiều nhưng là sự động viên, khích lệ tinh thần rất lớn đối với các lớp lớp học sinh trong làng. Hội Khuyến học của làng còn tổ chức các buổi lễ trao thưởng giản dị nhưng rất trang trọng. Những buổi lễ khen thưởng dành cho học sinh giỏi cấp tỉnh, huyện và học sinh đỗ cao đẳng, đại học hàng năm đều trở thành những ngày hội. Buổi trao thưởng được phát thanh  trực tiếp trên đài truyền thanh xã và được tất cả mọi người quan tâm.

Điều đặc biệt, sự khuyến học hoạt động ở mọi cấp độ. Thôn xóm cũng có quỹ khuyến học, liên gia và dòng học cũng đều có. Hằng năm, trước lúc tế lễ đầu xuân, các dòng họ đều có hình thức trao thưởng và báo công với tổ tiên những con em học hành đậu đạt. Con em xa quê học hành bất cứ ở thành phố nào như TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Vinh, Hà Nội đều có hội khuyến học đồng hương. Mặc dù hình thức chỉ là động viên cuốn sổ lưu niệm, tiền tàu xe về nghỉ Tết, nghỉ hè cho những con em mới ra học hoặc gia đình khó khăn... nhưng cũng ấm lòng những người con xa quê.

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy ngôi làng này rất nhiều người đậu đạt nhưng lại rất ít người làm quan. Điều thắc mắc đó được ông Hồ Đức Vấn giải thích rằng: Tinh thần người Quỳnh Đôi là coi trọng người có học hơn người làm quan. Điều này được nhắc đến trong “Quỳnh Đôi hương biên”: "Trọng khoa hơn trong quan". Ông Vấn cho hay, đa số những người học hành đậu đạt đều chọn con đường dạy học. "Ông đồ Nghệ! Làng tôi xưa cũng là một trong những cái nôi của ông đồ", ông cho hay. Có lẽ thấm nhuần tinh thần "trọng khoa" và truyền thống dạy học từ xa xưa mà Quỳnh Đôi hiện là một trong những ngôi làng đứng đầu về người dạy học trong cả huyện. Người Quỳnh Đôi vẫn thường nhắc nhở nhau dù có đi bất cứ nơi đâu cũng phải giữ gìn thanh danh cho làng.

Những ngày này về Quỳnh Đôi thanh bình và vắng vẻ. Nhiều người làng còn nói nửa đùa nửa thật: Làng toàn người già. Quả vậy, thanh niên ở làng rất ít. Những người trẻ là con em Quỳnh Đôi phần lớn đang theo học các trường Cao đẳng, Đại học, rồi những người đó cũng ở lại thành phố làm việc. Thanh niên ở lại neo người đến mức, Chi đoàn xóm 4 chỉ có 3 người hoạt động thường xuyên. 7 xóm còn lại của làng cũng chung hoàn cảnh đó. Chỉ những dịp lễ Tết, ngôi làng cổ kính này mới đông vui nhộn nhịp trở lại. Hết ba ngày Tết, làng lại vắng ngơ vắng ngắt.

Hương ước làng đã quy định

- Lúc ra đình, ngôi thứ chỗ ngồi xếp đặt theo học vị thể hiện "trọng khoa hơn trọng quan". Người làm quan to nhưng đỗ thấp vẫn phải ngồi dưới người đỗ đạt cao nhưng không ra làm quan hoặc làm quan thấp hơn.

- Ai đỗ tú tài trở lên được đón rước. Người đỗ tiến sĩ sau khi mất, hàng năm được làng đến lạy cúng, không được đặt tên trùng tên tiến sĩ.

- Từ 1768 làng tổ chức thi cử. Ai đạt điểm cao được miễn công dịch một năm.

- Ai đỗ tú tài trở lên nếu không có con trai nối dõi, sau khi mất được làng thờ trong hiền từ

- Từ 1600, làng trích 18 mẫu ruộng, bằng 1/9 tổng diện tích đất nông nghiệp làm học điền, giúp trò nghèo mà chăm học.

Hà Phương

Giadinh.net.vn